Những tỷ phú trên quê hương 5 tấn
Được đăng : 03/11/2016
Phong trào thi đua SXKD giỏi trong 4 năm qua (2003-2006) của ND Thái Bình đã tạo điều kiện cho người dân bứt phá làm giàu. Những làng quê nghèo khó trước đây, bây giờ đã xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú...
Những vùng trước kia chỉ trồng lúa, trồng khoai, thu nhập bấp bênh giờ đã được ND chuyển sang trồng cây, nuôi con đặc sản với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Nhiều làng nghề truyền thống được "tiếp sức" tìm kiếm thị trường mới đã đem về mỗi năm hàng triệu USD...
Đi lên từ..."chân" lò gạch
Khu lò gạch cũ ở thôn Cổ Xá, xã Phong Châu (Đông Hưng) bỏ hoang đã nhiều năm. Những bãi đất lổn nhổn, những hố, những rãnh chằng chịt khiến nhiều người "ngại" không dám nhận thầu dù UBND xã nhiều lần ra thông báo. Tiếc vùng đất rộng, anh Lưu Sỹ Đoán nhận "liều".
"Liều" là anh nói cho vui miệng, chứ vợ chồng anh đã tính toán từng bước đi. Kế hoạch của anh là 1 năm sẽ biến bãi đất này thành trang trại khép kín. Song để không bị "hao tiền, tốn của" cho việc tích kinh nghiệm, vợ chồng anh thay nhau đi dự các cuộc hội thảo, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2004, trước đại dịch cúm gia cầm, anh đón đầu nuôi thỏ giống . Anh cũng là người đầu tiên ở Đông Hưng nuôi giun làm thức ăn cho ba ba, ếch, cá lăng... Sau 3 năm "ăn bãi nằm đầm", anh đã sở hữu một trang trại "như trong mơ" với doanh thu 700 triệu đồng/năm. "Tôi đang vận động anh em, bạn bè mở thêm nhiều trang trại để hình thành các "tụ điểm" hàng hoá, hướng tới xuất khẩu"- anh tâm sự.Hiện nay, anh đang lập kế hoạch tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có ở địa phương để sản xuất bột giấy.
Anh hùng... chiếu cói
Anh Phạm Sỹ Long, ở thôn Nam Tiến, xã Đông Giang (Đông Hưng) lại chọn nghề dệt chiếu truyền thống của địa phương để lập nghiệp. Trước đây, làng nghề của anh mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn lá chiếu cói các loại nhưng không bán được hoặc bị ép giá rẻ mạt. Nhiều đêm mất ngủ để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Long phát hiện: các thành phố lớn, các trường đại học mỗi năm sử dụng hàng chục nghìn lá chiếu các loại, tại sao lại không khai thác thị trường "béo bở" này? Anh bỏ công thu lượm thông tin về các thị trường. Nhờ đó, nghề dệt chiếu cói của gia đình anh và hàng trăm gia đình ở Đông Giang "phất" dần lên. Mỗi năm, anh bán cho thị trường Hà Nội 40-50 chuyến hàng, trị giá 500 triệu đồng; bán cho Tổng cục Hậu cần trị giá 600 triệu đồng và xuất khẩu sang Lào mỗi năm 20.000 chiếu các loại, trị giá trên 200 triệu đồng. Hiện, anh đang thuê 70 lao động dệt chiếu tại gia đình và 300 hộ khác gia công các công đoạn. Anh cho hay: "Một số đối tác của Trung Quốc đang đề nghị tôi hợp tác sản xuất chiếu và cung cấp cói cho họ. Khó khăn của chúng tôi hiện nay là kỹ thuật và đất đai. Nếu được Nhà nước tạo điều kiện, thu nhập của ND sẽ tăng gấp 2-3 lần hiện nay".