00:00 Số lượt truy cập: 3230044

Niềm vui từ đồng ruộng 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2012, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), cả nước tiếp tục có thêm một năm được mùa với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 48,5 triệu tấn, góp phần duy trì đà tăng trưởng của toàn ngành, kiềm chế lạm phát và bảo đảm thu nhập cho người dân nông thôn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.


Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: KHÁNH VĂN  

Ðược mùa toàn diện

Ngay từ đầu năm, xác định là một năm sản xuất đối mặt nhiều khó khăn từ các yếu tố khách quan như thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh được dự báo tiếp tục bùng phát; các yếu tố chủ quan như ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ giảm sút, công tác chỉ đạo sản xuất đã được toàn ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt. Bộ NN và PTNT cùng lãnh đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khung thời vụ, sử dụng giống mới, giống xác nhận và các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp diễn biến của thời tiết và từng vùng, miền. Ðặc biệt, tập trung chỉ đạo, giám sát diễn biến sâu, bệnh. Nhờ vậy, năm 2012, diện tích gieo trồng lúa cả nước đạt 7.753,2 nghìn ha, tăng 97,8 nghìn ha so với năm 2011, năng suất đạt 56,3 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn. Cộng với sản lượng ngô đạt 4,8 triệu tấn, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 đạt 48,5 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2011, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và mức xuất khẩu gạo lần đầu vượt mốc hơn tám triệu tấn. Các loại cây trồng khác cũng đều đạt mức tăng cả về diện tích, sản lượng so với năm trước.

Năm 2012, người chăn nuôi nước ta tiếp tục đối mặt nhiều loại dịch bệnh như lở mồm long móng trên gia súc, dịch tai xanh trên lợn và dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, tình trạng sử dụng chất cấm gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng, làm suy giảm sức mua; giá nhiên, nguyên liệu đầu vào (xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi,...) tăng trong khi giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá lợn và giá gà công nghiệp giảm thấp kéo dài, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước; các địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi trang trại công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến theo chuỗi khép kín, cho nên, những tháng cuối năm, sản xuất chăn nuôi đã khôi phục đà tăng trưởng. Sản lượng thịt hơi cả năm ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2011, sản lượng sữa tươi đạt 379,1 nghìn tấn, tăng 9,8% so với năm 2011; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 12,5 triệu tấn, tăng 5,9% so với năm 2011.

Ðối với ngành thủy sản, nhờ thời tiết, ngư trường khá thuận lợi kết hợp các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển cho nên ngư dân tích cực bám biển, sản lượng đạt khá. Trong năm, đã có hơn 1.500 tổ, đội sản xuất được thành lập, nâng tổng số tổ, đội, HTX của cả nước lên hơn 3.500 tổ với khoảng 21 nghìn tàu cá và 136 nghìn lao động tham gia. Một số địa phương thí điểm thành lập 20 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản, hiệu quả bước đầu được các địa phương ủng hộ và ngư dân đón nhận. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản cả năm đạt 5.732,9 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011, bao gồm: sản lượng nuôi trồng 3.110,7 nghìn tấn, tăng 6,1%; sản lượng khai thác ước đạt 2.622,2 nghìn tấn, tăng 4,3%, trong đó khai thác biển đạt 2.418 nghìn tấn, tăng 4,8%.

Sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới cộng thêm khủng hoảng nợ công của EU có chiều hướng gia tăng, đã làm giá nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới giảm, nhất là đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà-phê, cao-su. Từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ (như hỗ trợ lãi suất tạm trữ lúa gạo, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay lãi suất thấp để phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản, chủ động giải quyết các rào cản liên quan đến thương mại), cộng với sự năng động của các doanh nghiệp cho nên hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng mạnh về khối lượng, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011, thặng dư thương mại đạt hơn 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 15 tỷ USD. Ðã có ba mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch vượt mức ba tỷ USD trở lên là gạo, cà-phê, đồ gỗ; năm mặt hàng đạt kim ngạch vượt một tỷ USD là cao-su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn và các sản phẩm sắn.

Năm 2012, theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 1994) cả nước tăng 3,4% so với năm 2011, trong đó: nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp tăng 6,4%, thủy sản tăng 4,5%, tốc độ tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 2,72%.

Những thành tựu trên mặt trận sản xuất nông nghiệp năm 2012 khẳng định, việc ổn định và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra hậu phương vững chắc, giúp nền kinh tế sớm ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

47785.jpg

 Người dân xã Ít o­ng, huyện Mường La (Sơn La) nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La
cho năng suất và thu nhập cao. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tái cơ cấu ngành và thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện

Theo dự báo, năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tăng trưởng chậm, thương mại và giá cả hàng nông sản trên thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp và có thể vẫn tiếp tục xu hướng giảm của năm 2012. Nợ công và thâm hụt ngân sách ở châu Âu chưa được giải quyết, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ, Nhật Bản và những diễn biến xung đột chính trị cục bộ, thiên tai, dịch bệnh... là những yếu tố tác động xấu đến kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói riêng. Ở trong nước, quá trình thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế cũng là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng và ổn định nền kinh tế . Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ gặp nhiều khó khăn do các nền kinh tế này tăng trưởng chậm. Biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Mặc dù những khó khăn nói trên không dễ vượt qua, nhưng Bộ NN và PTNT xác định mục tiêu năm 2013 sẽ nâng giá trị sản xuất của toàn ngành lên mức tăng 3,7 đến 4%; tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 đến 3% với kim ngạch xuất khẩu đạt 28,5 tỷ USD. Ðể đạt mục tiêu này, Bộ NN và PTNT xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 là tái cơ cấu ngành, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng thị trường trong và ngoài nước; xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; tiếp tục đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện.

Khẳng định nông nghiệp vẫn là nòng cốt, là trụ cột của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong năm tới, ngành nông nghiệp cần khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước; khắc phục tư duy sản xuất vẫn còn yếu và tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chuyển dịch cơ cấu, mô hình chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành, tăng năng suất, chất lượng hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững; thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên một ha gieo trồng. Hiện với bình quân đạt 72 triệu đồng/ha, vẫn còn khoảng cách lớn với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác quy hoạch, nhất là phát triển sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ. Tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và giống, đây là yếu tố quyết định thành công trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, nhất là nâng cao tỷ lệ chế biến nông sản; sớm tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình "Cánh đồng mẫu lớn"; cần phát huy vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm và định hướng sản xuất nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập. Năm 2013 sẽ còn khó khăn, thời tiết được dự báo là khô hạn, thị trường cạnh tranh càng gay gắt. Vì thế, đây sẽ là năm cần có những bước đi cụ thể, định hướng rõ nét hơn, quyết tâm cao hơn của toàn ngành.

Trong niềm vui được mùa toàn diện sau một năm lao động vất vả, những ngày này, trong khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi bước vào vụ lúa đông xuân, thì trong giá rét miền bắc, hàng triệu nông dân đang hào hứng ra đồng, dồn sức cho vụ đông để đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ với mục tiêu phấn đấu đạt thu nhập 13 đến 14 nghìn tỷ đồng, tạo đà cho một năm sản xuất mới với nhiều thành tựu mới.