Giá muối tăng vọt đến… “ngất ngưởng” chưa từng có từ hàng chục năm qua, phút chốc đã… “đổi đời” hàng trăm diêm dân ở các làng quê nghèo trên vùng đất khô cằn, nắng gió này.
Ngọt lòng diêm dân
Mặt trời chưa ló dạng, ông Bảy Xi đã cùng hai con trai ra ruộng muối. Hôm nay đúng hẹn giao hàng cho thương lái nên cha con ông phải tranh thủ từ sáng sớm. Tiếp chúng tôi ngay bên hai đống muối cao ngang tầm đầu người, ông Bảy cho biết đây là đợt thu hoạch muối thứ hai của gia đình ông, ước chừng xấp xỉ 5 tấn.
Là diêm dân cố cựu của thôn Khánh Hội (Tri Hải) nhưng – theo ông Bảy – chưa bao giờ muối trúng mùa và… trúng giá như năm nay. Với hai ruộng muối gần 3ha của gia đình nhưng chỉ qua hai đợt thu hoạch trong vòng mười ngày, ông Bảy đã “hốt” trên 10 tấn, “ẵm gọn” hơn chục triệu đồng. “Nếu giá muối ổn định chín trăm, một ngàn đồng mỗi ký như bây giờ, còn trời cứ nắng gió đều đều thế này thì ruộng muối nhà tôi thu hơn 400 tấn là cái chắc, kiếm ít nhất cũng phải gần nửa tỉ bạc”, ông Bảy nói.
Còn ông Tính (thôn Tân An) cho biết ruộng muối xấp xỉ 2ha của gia đình ông đã thu hoạch đến hơn 200 tấn trong năm ngoái. “Chỉ cần giá muối ổn định, thì với vốn đầu tư 70.000-80.000 đồng/tấn, bà con tụi tui cũng kha khá rồi. Nếu… “trời thương” giá muối lên như bây giờ thì… khỏi nói… ” ông Tính hả hê nói.
Không khí nhộn nhịp trên các cánh đồng muối nhờ trúng giá, lại trúng luôn…sản lượng - Ảnh: L.TRƯỜNG |
Dọc dài qua các cánh đồng muối ở nhiều vùng quê biển Khánh Tường, Khánh Hải, Phương Cựu, Tân An… trong những ngày này, chúng tôi nhìn thấy từng tốp diêm dân, tay xẻng, tay cào, tất bật làm việc.
Từng đống muối to sầm, cao ngất, được vun vén cẩn thận nơi góc ruộng, trắng phao dưới nắng đầu xuân, để rồi chỉ trong ngày một, ngày hai, tất cả đã được từng đoàn xe tải đến… “đón”, ngược về hướng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để sau đó xuôi Nam, ra Bắc.
Theo lời anh Trần Kim Sơn, trưởng thôn Khánh Tường, sau nhiều tháng muối liên tục tăng giá, từ 300 lên 500, rồi 700… 800 và gần một tháng qua đã xấp xỉ 1.000 đồng/kg, ít nhất phải có đến vài chục gia đình trong thôn và gần trăm hộ khác ở các xã láng giềng khá hẳn lên nhờ trúng muối, như các ông, bà Lanh, Thành, Đăng, Hương… chẳng hạn. “Không chỉ sắm sửa đầy đủ vật dụng trong nhà, bà con còn có của ăn của để, lo cho con cái học hành nữa đó.” Anh Sơn “khoe” như chia vui với người trong xóm.
Hướng mở cho những vùng quê nghèo
Khoảng hơn hai năm trở lại đây, khi muối có dấu hiệu tăng giá, người dân các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Khánh Hải… đã cố vay mượn, chắt bóp để cải tạo những vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển thành ruộng muối với tổng diện tích gần 300ha.
Theo thống kê sơ bộ của phòng kinh tế huyện Ninh Hải, tổng sản lượng hằng năm lên đến gần 50.000 tấn muối. Thực tế nghề làm muối đã giúp một bộ phận không nhỏ người dân nghèo địa phương khá lên.
Tuy nhiên, do đầu ra của “hạt vàng trắng” thời gian qua không ổn định, giá cả luôn bấp bênh từ sự chi phối của đầu nậu, tư thương nên công sức, của cải đổ ra của người làm muối lắm khi rơi vào tình trạng… “được chăng hay chớ”.
Nhìn thấy được điều này, huyện Ninh Hải đã quy hoạch mở rộng 600ha vùng đất nông nghiệp ven biển bị nhiễm mặn thành vùng chuyên canh muối, liên kết… “bốn nhà”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người làm muối cao gấp hai lần so với mức bình quân toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo huyện, với tiềm năng đất đai của địa phương, về lâu dài, vùng chuyên canh muối diêm dân của Ninh Hải sẽ dẫn đầu toàn tỉnh với diện tích dự kiến phát triển thêm ít nhất 1.000ha.