00:00 Số lượt truy cập: 3234053

Ninh Thuận: Khi cây sắn giúp dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo 

Được đăng : 03/11/2016
 Đã lâu lắm rồi, người nông dân ở hai xã Quảng Sơn và Hoà Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) mới thật sự làm giàu trên mảnh đất khắc nghiệt của mình. Cây sắn cao sản được xem như “Cây xoá đói, giảm nghèo” của nhiều hộ nông dân nơi đây.

* Niềm vui lớn từ “Cây sắn xoá đói”

Trên vùng đất này từ khi khai sơn chưa ai nghĩ rằng có một vụ mùa bội thu từ cây sắn, họ chuyên canh các loại cây thuần túy, mía là cây trồng dễ làm giàu nhất nhưng luôn bị “hành hạ” bởi khâu thu hoạch, vận chuyển và đánh giá chữ đường của Nhà máy. Các loại cây lương thực khác không đủ để trang trải do giá cả vật tư tăng cao, sâu bệnh luôn rình rập đe dọa, trong khi cây sắn cao sản rất nhẹ công chăm sóc và chi phí. Nhưng điều gì đã khiến cho nhiều hộ dân phát triển mạnh diện tích cây sắn và trúng đậm, có hộ thu hàng trăm triệu đồng từ loại sắn cao sản này?

Đến với xã Quảng Sơn, ông Trần Lợi – Bí thư Đảng ủy xã khoe với chúng tôi rằng: "năm nay người dân địa phương ông thắng lớn về cây sắn, có nhiều hộ làm giàu cũng từ cây sắn, nếu như vụ này không trúng đậm vụ sắn thì chắc hẳn nhiều người vỡ nợ. Cây sắn đã cứu người nông dân vươn lên". Diện tích trồng sắn qua theo dõi là do bà con tự trồng (nhà máy chế biến tinh bột Sắn Ninh Thuận chỉ hợp đồng rất ít) lên đến cả ngàn ha, theo số liệu thống kê được của toàn xã thì diện tích sắn được trồng lên đến 855ha, chưa kể phần đất mà nông dân trong xã đi thuê để thâm canh ở các vùng lân cận cũng lên cả trăm hecta nữa. Hồi giữa năm 2007, khi nói đến nông nghiệp thì đã thấy "có chuyện lạ rồi", gặp nhau ít ai hỏi "năm nay trồng bao nhiêu hecta mía", mà họ thường nhắc "trồng được mấy hécta sắn". Giá cả thời điểm đó chỉ có 500-700 đồng/kg nhưng họ đâu có ngại vì cây sắn xuống đất tốt tươi đầy hứa hẹn.

Vào thời điểm này, trên đường đến Nhà máy hằng ngày có vài chục xe máy cày dùng moóc chở sắn củ đến cân, mỗi móoc kéo từ 3-4 tấn củ sắn tươi, giá cả tăng lên từ 1000 đến 1.150 đồng/kg. Ông Trần Lợi cho biết thêm: nhiều gia đình nông dân trồng với qui mô lớn từ 15-20 ha và "trúng " khá nhất xã như hộ ông Nguyễn Thật (thôn Thạch Hà), Võ Đình Chiến (thôn La Vang), Lê Văn Khanh (thôn Hạnh Trí), Nguyễn Đại (thôn Triệu Phong)… vụ sắn này họ thu trên dưới 100 triệu đồng. Hộ trồng ít nhất cũng thu được 10-15 triệu đồng trên mảnh đất khô cằn mà trước đây họ làm cây lương thực chỉ đủ trang trải nợ nần.

Rời xã Quảng Sơn, chúng tôi ngược theo huyện lộ vào xã Hoà Sơn, địa phương này mới vừa được đầu tư nhiều công trình dân sinh, dân nông nghiệp sản suất hầu như chỉ trông vào nước trời. Nơi đây chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều sân phơi sắn xắt lát trắng ngần. Tiếng máy nổ xắt sắn xình xịch liên hồi vang lên từ những ngôi nhà. Những đống củ sắn mỗi lúc vơi dần thì lại có xe máy cày chở về , có những củ sắn nặng gần 3kg. Những bao tải sắn khô được chất cao ngất ngưởng bởi bàn tay của người dân. Anh Châu Thanh Nghiệp - Trưởng Công an xã đưa chúng tôi đi từng thôn để chứng kiến một mùa thu hoạch chưa từng có trên vùng đất “kinh tế mới” ngày nào còn gian nan thiếu thốn. Tiếp xúc với nhiều hộ nông dân của xã Hoà Sơn, trên gương mặt họ chúng tôi luôn thấy niềm vui túc trực, anh nông dân Hồ Viết Linh nói "Nhà tôi làm 7 ha sắn nhưng chỉ trong một vụ đã thu lãi 15 triệu đồng, sướng thật”. Diện tích đất trồng của xã Hoà Sơn do địa hình gò đồi, đất xấu nên nông dân chỉ trồng được 340 ha, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi hơn mọi năm nên 60% diện tích trồng sắn đạt năng suất từ 15-20 tấn/ha, giá cả cạnh tranh tăng đều nên nông dân trồng sắn gặp may, nhiều hộ thoát được nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu với gia sản vài trăm triệu đồng mà cả đời làm nông nghiệp ít khi mơ thấy.

* Đầu ra hàng nông sản đã mở

Nhiều năm nông sản làm ra của người dân khó khăn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Trên vùng đất Ninh Sơn, cây công nghiệp là mía và thuốc lá nhưng thị trường luôn biến động, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn diện tích cây trồng thu hẹp lại. Trong những năm gần đây, Nhà máy Tinh bột Sắn Ninh Thuận được xây dựng đã mang lại niềm vui cho nông dân khi phương án trồng đại trà loại cây sắn cao sản được lãnh đạo Nhà máy triển khai. Cũng phương thức làm ăn "ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm" với nông dân nhưng hai năm mọi việc vẫn "ì ạch", không kích thích phát triển mà người nông dân tự quyết về thị trường để trồng cây gì cho thích hợp. Bà Trần Thị Ổn - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn cho biết: "giá thu hút của Nhà máy ký kết thu mua sắn củ là 970 đ/kg, nhưng hộ dân phải vận chuyển đến tận Nhà máy cũng khó lôi cuốn được nông dân trồng sắn”.

Tiếp xúc với nhiều người dân trồng sắn ở hai xã Quảng Sơn và Hoà Sơn, chúng tôi được họ cho biết "Giá cả nông sản nếu có tư thương chịu khó đến tận nơi thu mua dù chênh lệch rất thấp nhưng khâu vận chuyển không phải lo. Hơn nữa hôm nay có rất nhiều đường để bán sản phẩm ra bên ngoài nên nông dân tự "rủ nhau trồng, liên kết với các đầu mối tiêu thụ”. Trong mùa thu hoạch sắn này, nhiều tư thương ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đánh cả xe tải nặng đến thu mua tận nơi với giá chênh lệch cao hơn Nhà máy ở địa phương từ 50-100 đ/kg.

Đầu ra cho cây trồng nói chung và cây sắn nói riêng tuy chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Thế nhưng, vụ thu hoạch sắn này cũng đã giúp người nông dân một nắng hai sương trên vùng đất khó có cơ hội "xóa được đói, giảm được nghèo"./.