00:00 Số lượt truy cập: 3229870

Nỗi lo hậu mùa dưa hấu 

Được đăng : 03/11/2016

Tính đến cuối tháng 2 này, lại thêm một mùa dưa hấu tết vừa đi qua. Đạ Tẻh là huyện trọng điểm dưa hấu của tỉnh Lâm Đồng. Nông dân huyện Đạ Tẻh vừa trải qua một mùa dưa hấu tết rất vui vì vừa được mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, đằng sau những gương mặt rạng rỡ của người nông dân vẫn thấp thoáng đâu đó một nỗi lo mới và… “lạ”!


Được mùa và được giá, vui!

Trong những ngày tết, có mặt tại huyện Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi cùng có chung niềm vui của người nông dân nơi này bởi vụ dưa hấu tết vừa rồi trúng đậm. Anh Nguyễn Văn Hay ở miền Trung vào thị trấn Đạ Tẻh thuê đất làm dưa không về quê ăn tết kịp, bởi bận thu hoạch cho hết ruộng dưa hơn 1ha của mình tại thôn 9.

Đằng sau những trái dưa thành quả một nắng hai sương này là một nguy cơ tiềm ẩn.
Đằng sau những trái dưa thành quả một nắng hai sương này là một nguy cơ tiềm ẩn.

“Điện về nhà, bảo vợ con cứ lo tết cho lớn, vợ con yên tâm lắm! Còn tôi thì ở lại với bà con trong này!” - chiều 30 tết, vẫn đang tất bật trên ruộng dưa, theo nhẩm tính của anh Hay: 1ha dưa của anh cho hơn 45 tấn dưa, giá 1kg tại ruộng được thương lái thu mua từ 5.500 - 6.000 đồng, cứ thế nhân lên rồi trừ tiền thuê đất khoảng 7 triệu đồng, anh thu một khoản tiền quả là không nhỏ.

Theo cách tính của người dân ở đây, với năng suất trên dưới 50 tấn/ha, giá 1kg dưa hấu chỉ khoảng 1.500 đồng là huề vốn. Đằng này, vụ dưa vừa qua, giá mua tại ruộng những trên dưới 5.500 đồng/kg nên nhà nông trúng lớn là vậy. Theo Phòng Nông nghiệp Đạ Tẻh, vụ dưa hấu tết vừa rồi, cả huyện trồng khoảng 300ha; đạt năng suất bình quân 45 tấn/ha. “Năm nào tôi cũng từ miền Trung vào đây thuê đất trồng dưa.

Năm nay là năm dưa hấu cao giá nhất từ trước đến nay đấy! Âu thì cũng vui và bù lại cho những năm lỗ chỏng vó!” - anh Nguyễn Hữu Hay tâm sự. Niềm vui lộ rõ trên gương mặt anh Hay. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, bỗng một thoáng ngập ngừng lộ ra trong câu nói của anh: “Đất đai cũng là một vấn đề đấy! Ông Tròn  thuê đất ở An Nhơn làm dưa, dưa chết rụi, mất cả chì lẫn chài...”.

Nỗi lo đã bắt đầu

Cách nói lấp lửng của anh Hay khiến chúng tôi lưu tâm, nhưng gặng hỏi, anh Hay vẫn không tiết lộ thêm về “nỗi lo” của những nhà nông thuê đất trồng dưa như anh, mà trường hợp của ông Tròn là một ví dụ. Lần theo thông tin về “nỗi lo” của ông Tròn, chúng tôi được biết, tại Đạ Tẻh hiện đã bắt đầu xuất hiện một nguy cơ về chất lượng đất trồng dưa.

Bằng một cách tiếp cận khác, chúng tôi bước đầu biết được nguy cơ tiềm ẩn này: Dạo trước tết vài tháng, ông Tròn thuê đất của một người bà con ở xã An Nhơn để trồng dưa như nhiều người khác từ miền Trung vào đây thuê đất trồng dưa tết. Hơn 5 sào đất mà ông Tròn thuê cũng chính là diện tích mà ông đã thuê trồng từ hơn 5 năm qua.

Trong khi các ruộng dưa khác cứ mướt mượt lên xanh thì ruộng dưa của ông Tròn sau hai mươi ngày xuống giống bỗng xuất hiện những vết tròn màu nâu ở giữa lá rồi dần dần lá cháy khô rồi chết; sau đó, dây dưa hấu cũng chết dần, chết dần. Trao đổi với một cán bộ chuyên môn ở Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, chúng tôi biết được rằng đó là bệnh thán thư trên cây dưa hấu. Theo cán bộ chuyên môn, bởi là người thuê đất trồng dưa nên hầu như ai cũng chỉ chú trọng đến sự phát triển của cây dưa mà quên đi chuyện bón phân như thế nào để đảm bảo tính bền vững của chất đất trong canh tác.

Việc càng bón phân có hàm lượng đạm cao và nhiều chất kích thích sinh trưởng là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh thán thư bùng phát và chất đất ngày càng trở nên kiệt. “Nếu chỉ chú trọng đầu tư cho cây trồng mà quên đi “nền tảng” của nó là “đất” thì đó là lối canh tác không bền vững!” - một cán bộ chuyên môn của huyện Đạ Tẻh đã nói với chúng tôi như vậy.

Cũng theo ước đoán của cơ quan chuyên môn thì trong tổng số hơn 300ha dưa hấu của toàn huyện Đạ Tẻh trong vụ dưa tết vừa rồi, diện tích đất cho người khác thuê trồng chiếm khoảng 40%. Với diện tích đất cho người khác thuê trồng dưa hấu, nhiều vấn đề trong kỹ thuật canh tác để làm giàu đất đã không được quan tâm đến như: Làm cho đất tơi xốp, thông thoáng; hạ phèn, giảm độ chua; bón lót vôi; giải độc hữu cơ... Những điều đó cho thấy, một nguy cơ mới trên đất cho thuê để trồng dưa ở Đạ Tẻh đã hình thành!