Nhiều hộ nông dân thoát nghèo, nhờ phần lớn vào... quỹ
Cả hai vợ chồng anh Võ Văn Chín ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đều xin nghỉ việc Nhà nước từ năm 1989 để chăm lo kinh tế gia đình, nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi. Năm 2005, con trai anh Chín lại mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình anh càng túng quẫn.
Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Hàm Mỹ đã dành cho vợ chồng anh Chín vay bốn triệu đồng, một phần chữa bệnh cho con, một phần để đầu tư trồng hành, thanh long. Mặc dù nợ gốc đến nay chưa trả dứt, nhưng gia đình anh Chín đã trồng được 500 trụ thanh long bắt đầu cho thu hoạch và sản xuất 1,3 sào lúa, nhà không còn "thiếu trước, hụt sau" như trước. Anh Chín tâm sự: "Gia đình tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình của Hội trong lúc ngặt nghèo. Nếu vay ngoài, không biết đến bao giờ chúng tôi mới trả hết lãi, chứ đừng nói vốn gốc".
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Dạng, cùng ở thôn Phú Phong, kinh tế ngày càng khá hơn cũng nhờ một phần từ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân xã. Năm 2005, gia đình chị Dạng vay bảy triệu đồng mua hai con bò cái, nay đã nhân đàn được năm con, tính ra có lãi gần 16 triệu đồng. Năm 2007, gia đình chị vay tiếp bảy triệu đồng để bổ sung vốn trồng hoa bán vào dịp Tết và chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, đã thu lãi từ hai khoản trên hơn 40 triệu đồng.
Từ chủ trương, chính sách chung của Ðảng, Nhà nước, hiện nay, có nhiều "kênh" dẫn vốn ưu đãi giúp bà con nông dân phát triển sản xuất để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những "kênh" khá quan trọng.
Ðể hình thành nên quỹ này, ngoài sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, của T.Ư Hội Nông dân ủy thác, từng cơ sở hội phải chủ động vận động ủng hộ, hoặc vay mượn vốn. Hội Nông dân xã Hàm Mỹ là "điểm sáng" ở Bình Thuận trong việc xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ nông dân. Ðến nay, Hàm Mỹ đã xây dựng nguồn quỹ dự phòng được 143 triệu đồng gửi tại ngân hàng. Từ năm 2003 đến nay, quỹ này đã giúp 140 lượt hộ hội viên 461 triệu đồng để trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Hàm Mỹ còn vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân được 203 triệu đồng, giúp 325 lượt hội viên vay tổng cộng 852 triệu đồng.
Tùy theo mục đích, nhu cầu của người vay, Hội Nông dân xã xem xét cho vay bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/lượt trong thời gian từ 6 đến 9 tháng và chỉ thu phí 0,7%/tháng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Mỹ Ðặng Văn Mười, cho biết thêm: "Khi đến hạn trả gốc và phí, những trường hợp bị thất bát do thiên tai, dịch bệnh, hoặc gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn được các chi, tổ hội xác nhận, Hội Nông dân xã chỉ thu phí, gia hạn thêm thời gian vay vốn". Cùng với gia đình anh Chín, chị Dạng, 32 gia đình hội viên khác ở Hàm Mỹ đã cải thiện đáng kể cuộc sống nhờ nguồn vốn này.
Cũng như Hàm Mỹ, đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 8/10 Hội Nông dân cấp huyện, 114/127 Hội Nông dân cấp xã triển khai xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn quỹ hơn 4,5 tỷ đồng. Hiện tại, có 1.664 hộ hội viên đang vay hơn 4,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ hỗ trợ nông dân đã "phối hợp" hiệu quả với nhiều nguồn vốn ưu đãi khác, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ở huyện Hàm Thuận Nam, nhờ nguồn quỹ tương trợ đã giúp cho bốn hộ nông dân nghèo chuộc lại 2,4 ha ruộng đã cầm cố.
Hộ khá giả giúp đỡ các gia đình nghèo
"Bà con xa không bằng láng giềng gần", tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy từ việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo ở từng làng, xã. Với Hội Nông dân, biểu hiện rõ nhất là phong trào "Thi đua đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn; thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng".
Một trong những tiêu chí để được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi là phải có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau. Các hộ khá giả giúp đỡ các hộ còn khó khăn bằng nhiều hình thức khá thiết thực. Ðó là giúp nhau ngày công; cho mượn vốn; ứng trước giống, vật tư không tính lãi... Qua thực tế phong trào, có hàng nghìn hộ nông dân không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, mà còn tận tình giúp đỡ những hộ nghèo chung quanh, giúp họ đủ trang trải cuộc sống, không ít hộ vươn lên khá giả.
Với 4.500 trụ thanh long, anh Nguyễn Văn Tám ở thôn 1, xã Hàm Ðức, huyện Hàm Thuận Bắc đã mạnh dạn đầu tư ba bình điện hạ thế 50 kVA/bình, dùng để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, đồng thời kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp và nuôi bò sinh sản, đã đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Với lợi nhuận như vậy, bình quân mỗi người trong gia đình anh có thu nhập không thấp hơn 2,6 triệu đồng/ tháng và tạo việc làm ổn định cho khoảng năm lao động trong thôn. Là Bí thư chi bộ của thôn, đồng chí Tám đã gương mẫu giúp 30 hộ nông dân nghèo địa phương giảm bớt khó khăn bằng cách bán vật tư, cho chong đèn thanh long trả chậm, có khi đến 6 tháng, không tính lãi.
Ngược lên Ða Mi, giáp với Lâm Ðồng, cũng thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, gia đình anh Lê Văn Phong đã làm giàu nhờ trồng sầu riêng hạt lép kết hợp làm đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên vùng đất mới. Mỗi năm, gia đình anh Phong có thu nhập hơn 90 triệu đồng, giúp 12 lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Anh Phong đã trực tiếp giúp bảy hộ ở đây thoát nghèo và cho nhiều hộ khó khăn khác mượn vốn hơn 20 triệu đồng không tính lãi.
Ở thôn 2B, xã Ðông Hà, huyện Ðức Linh, mọi người đều ngợi khen gia đình chị Phạm Thị Trần Nguyên biết tính toán làm ăn, vừa lo cho mình, vừa giúp bà con hàng xóm. Là chủ cơ sở chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, gia đình chị Nguyên đã giúp 400 lao động nông nhàn ở địa phương có thêm thu nhập từ 25 đến 30 nghìn đồng/ người/ngày.
Còn khá nhiều những hộ nông dân vừa biết làm giàu, vừa giúp đỡ bà con nghèo có thêm thu nhập như anh Tám, anh Phong, chị Nguyên trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Bình Thuận. Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong ba năm (2005-2007), 7.751 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp trong tỉnh đã tạo việc làm cho 325.660 lượt lao động; trực tiếp giúp đỡ 7.239 hộ nghèo với tổng số vốn gần 12,8 tỷ đồng và đã có 2.533 hộ thoát nghèo.
Còn gần 20 nghìn hộ mong thoát nghèo
Thực tế, có không ít hộ nghèo không "đầu hàng" số phận. Bằng ý chí, nghị lực và sự giúp đỡ chí tình từ các chủ trương, chính sách chung, của bà con, đã vươn lên đủ ăn, từng bước khấm khá, giàu lên, rồi tiếp tục giúp đỡ những hộ khó khăn như mình trước đây.
Tiêu biểu là nữ đảng viên Hoàng Thị Bích Hạnh ở xã Tân Hà, huyện Ðức Linh. Hơn chục năm trước, gia đình chị Hạnh thuộc diện hộ nghèo của xã nghèo Tân Hà, nhưng chị đã biết dựa vào đất để từng bước gây dựng cơ nghiệp. Chịu thương, chịu khó, đón bắt được giá trị của các loại cây công nghiệp, từ năm 2006, gia đình chị đã có ba ha điều, 13 ha cao-su, ba sào tiêu và 15 ha rừng xà cừ. Tổng doanh thu của gia đình chị trong năm này hơn 700 triệu đồng, lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Liên tục ba năm nay, gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho sáu lao động với mức lương 2 triệu đồng/người/ tháng; giúp được bảy hộ thoát nghèo và cho một số hộ khó khăn khác mượn vốn 60 triệu đồng, không tính lãi.
Anh Nguyễn Quyết Thắng ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình cũng vậy. Từ một nông dân phải làm thuê thêm để trang trải cuộc sống gia đình, anh đã không nản chí học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng bắp lai và luân canh bông vải, nhờ đó gia đình anh đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm...
Tuy vậy, số hộ nghèo, chủ yếu là nông dân, ở Bình Thuận vẫn còn khá nhiều. Hiện tại, Bình Thuận còn gần 19.700 hộ nghèo, chiếm 8,05% tổng số hộ trong tỉnh. Cái nghèo do nhiều nguyên nhân, nhưng theo khảo sát, phân tích của các cơ quan có trách nhiệm, phần lớn là do thiếu vốn, thiếu đất, thiếu lao động và thiếu kinh nghiệm làm ăn. Biết rõ nguyên nhân thì sẽ tìm được cách khắc phục và thực tế Bình Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả Chương trình xóa đói, giảm nghèo. Trong năm nay, tỉnh cố gắng giảm thêm ít nhất là 4.100 hộ nghèo.
Vấn đề cần quan tâm ở đây là ý chí, nghị lực vươn lên của bản thân các hộ nghèo. Thực tế tại Bình Thuận, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí, nghị lực vươn lên, còn trông chờ, ỷ lại, thậm chí, có hộ không muốn thoát nghèo để hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khi nào giải quyết rốt ráo vấn đề "tư tưởng" này, thì các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội mới "cộng hưởng" để đánh bật được cái nghèo một cách căn cơ, vững chắc.
Trước mắt, cần phát huy tốt hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái ở từng khu phố, từng thôn, từng buôn làng. Không riêng gì Hội Nông dân, mà từng tổ chức cơ sở đảng, từng đoàn thể chính trị, xã hội phải phân công từng thành viên (khá, giàu) giúp đỡ cụ thể từng hộ thoát nghèo một cách vững chắc trong một thời gian nhất định.
Hy vọng, Bình Thuận sẽ có thêm nhiều hộ nghèo vươn lên làm giàu chính đáng như các gia đình chị Hạnh, anh Thắng...