Nghịch lý giá cả
Chúng tôi về xã Kim Mỹ, mặc dù đang là lúc cao điểm của vụ thu hoạch nhưng cánh đồng vẫn vắng hoe. Rừng cói vẫn trải dài, xanh đến ngút mắt. Một nông dân than thở: “Mấy năm gần đây, chưa bao giờ giá cói xuống thấp đến thế. Tiền công thu hoạch nhiều hơn tiền bán thì cắt về làm gì?”. Trước đây, giá cói khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg, cói đẹp có khi lên đến 8.000 đồng/kg, nay chỉ còn 1.000 đồng/kg. Tổng chi phí thu hoạch, chẻ, phơi cho một sào cói (360m2) xấp xỉ 800.000 đồng. Với năng suất bình quân 4 tạ cói/sào thì “chi phí bán ra còn chưa đủ cho công thu hoạch, nói gì đến phân bón, công sức mấy tháng qua?”.
Mặc dù được mùa cói mà nông dân vẫn như mất trắng. Nhiều thửa ruộng cói đã trổ cờ. Ông Hùng, một trong số rất ít người ra ruộng cắt cói cho biết: “Tôi đi cắt để cói lên vào mùa sau chứ bán cho ai bây giờ, cả xã đều thế, cho cũng không ai lấy. Nhiều nhà còn bỏ mặc không cắt vì thời gian ra đồng họ dành làm việc khác”.
Năm 2006, cây cói được giá, diện tích cói nhanh chóng được mở rộng (toàn huyện có tới 1.500ha). Nhiều gia đình bỏ lúa trồng cói. Từ đầu năm đến nay, giá cói chững lại rồi sụt thê thảm, đẩy nhiều gia đình vào cảnh điêu đứng. Chị Thu ở xã Kim Hải gạt nước mắt tâm sự: “Cả nhà chỉ trông vào mấy sào cói, ai ngờ công chăm sóc suốt mấy tháng giờ chỉ mong đủ trả tiền phân bón”. Gia đình chị mấy ngày nay không còn ai ở nhà. Bỏ mặc ruộng cói, chồng chị cùng con trai lớn đã xin đi phụ hồ, còn chị thì chạy chợ kiếm miếng ăn qua ngày.
Về Kim Sơn những ngày này, mặc những ruộng cói tốt bời bời, lòng dạ của hầu hết nông dân như héo úa. Gặp đâu cũng thấy những gương mặt đăm chiêu: “Lúc bình thường thì động viên chúng tôi bỏ lúa trồng cói, bây giờ thị trường tiêu thụ bị thu hẹp thì chẳng biết kêu ai”. - một người dân bức xúc nói.
Bài toán cũ không có lời giải
Bài học từ vùng cói Kim Sơn cho thấy, hiện nay nông dân sản xuất vẫn chạy theo thị trường, chưa có sự định hướng, hoạch định của các ngành chức năng.
Một cán bộ xã Kim Mỹ bức xúc: “Chúng ta vẫn dựa trên những biến động tức thời của thị trường để sản xuất mà thiếu những phân tích dựa trên điều kiện cụ thể để có kế hoạch lâu dài, bền vững. Khi thị trường thuận lợi, thì các cấp ngành lập tức động viên, cổ vũ, nâng cao một mô hình thành phong trào. Đến khi gặp khó khăn, chỉ người nông dân đứng ra gánh chịu”.
Ông Hoàng Đình Phương, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp huyện Kim Sơn nói: “Vấn đề ở đây chính là liên kết “4 nhà”. Trong chuyện cây cói, có thể thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn vô cùng lỏng lẻo. Chúng tôi không thể can thiệp sâu hơn khi bản thân nông dân và doanh nghiệp chưa có những cam kết cụ thể bao tiêu sản phẩm. Cách làm của chúng ta vẫn nặng về “ăn xổi”. Cả doanh nghiệp và nông dân đều chưa lường hết hậu quả của việc không “chịu” chia sẻ lợi ích. Khi giá cao thì doanh nghiệp lãi ít, còn khi mất giá, người nông dân sẽ chịu thiệt. Trong thời điểm này, nếu không có biện pháp phù hợp, người nông dân sẽ lại bỏ cói trồng lúa. Như vậy, về lâu dài, cả doanh nghiệp lẫn người nông dân đều chịu thiệt”.
Được biết, cây cói trồng một lần cho thu hoạch trong 5-6 năm. Đồng thời, vùng đã quy hoạch trồng cói thì không thể trồng lúa và ngược lại (do đặc thù canh tác). Chính vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp khác. Hiện nay, vùng quy hoạch trọng điểm trồng cói của Kim Sơn đã được đầu tư xấp xỉ 10 tỉ đồng cho việc xây dựng hạ tầng... Không có giải pháp kịp thời thì không những lãng phí một nguồn đầu tư mà còn khiến mấy trăm hecta cói có nguy cơ bỏ trống.