Nông dân Phú Hữu - An Phú (AG) phát huy lợi thế vùng biên giới
Được đăng : 03/11/2016
Từ một xã nghèo bị “ngăn sông cách chợ”, Phú Hữu đã vươn lên trở thành một trong những địa phương đứng đầu huyện An Phú về sản lượng lương thực với sản lượng năm 2010 ước đạt 50.000 tấn.
Nông dân trong xã còn mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Điều đáng ghi nhận là người dân đã ý thức xây dựng nền sản xuất sạch để hướng đến sự phát triển bền vững.
Trong khi ruộng đồng vùng đầu nguồn sông Hậu đã ngập nước, đa số nông dân chuyển sang nghề đánh bắt thủy sản thì lão nông Bùi Văn Teo, ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu, An Phú), vẫn miệt mài với công việc chăm sóc hoa màu. Hỏi ra mới biết, cách đây vài năm, khi thấy các loại rau, củ thường có giá rất cao trong mùa nước nổi nhưng vẫn không đủ lượng hàng cung ứng, ông Teo quyết định bỏ vốn nâng cấp 2 công đất ruộng thành đất gò, cao hơn cả đỉnh lũ năm 2000 để trồng rau màu trái vụ. Chỉ sau một mùa nước, ông đã lấy lại được vốn đầu tư gần trăm triệu đồng. Dẫn tôi đi xem 1,7 công ớt đang phát triển tốt và 200m2 hẹ vừa xuống giống được 2 tháng, ông Teo giới thiệu: “Khoảng 1 tháng nữa là hẹ bắt đầu cho thu hoạch, còn ớt thì sẽ thu hoạch vào cao điểm giữa mùa nước nổi. Năm nào thời điểm đó cũng bán được giá cao vì số người trồng rẫy không nhiều”. Theo lời ông, sản phẩm vừa thu hoạch là có thương lái đến mua tại ruộng, phần lớn đưa lên Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình để xuất sang thị trường Campuchia. Mùa nước nổi năm nay, ông Teo còn đầu tư gần 5 triệu đồng mua 1 tấn củ sắn giống Ba Tri (Bến Tre) để trồng xen canh vào rẫy ớt. Theo kinh nghiệm của ông, khi dây sắn bò lên cao sẽ tạo ra bóng râm giúp ớt phát triển tốt, cho trái to, bóng đẹp và năng suất hơn bình thường. “Khi nước lũ rút thì nhu cầu mua hạt sắn làm giống cũng tăng cao. Lúc đó, sắn của tôi sẽ cho thu hoạch lấy hạt. Nếu giá sắn vẫn giữ như hiện nay (khoảng 350.000 đồng/lít hạt sắn) thì 1 công sắn có thể bán được 100 triệu đồng”, ông Teo tính toán. Trước triển vọng của mô hình này, con trai ông Teo cũng đã làm “cà rèm” trên diện tích hơn 200m2 bên hông nhà để trồng sắn Ba Tri lấy hạt.
Ở Phú Hữu, bà Nguyễn Thị Tròn (ấp Phú Thành) được nhiều người biết đến nhờ mô hình trồng rau sạch bán sang Campuchia. Chỉ với 12 công đất chuyên canh hoa màu, mỗi năm gia đình bà Tròn thu về trên 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 200 triệu đồng. “Bí quyết” của bà là chọn những loại cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tươi ngon, không chứa các chất độc hại vượt mức cho phép. “Sản xuất rau sạch vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, vừa tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thu được lợi nhuận cao hơn”, bà Tròn phân tích.
Ông Kiều Văn Liền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho biết, năm 2010, toàn xã có 596 cá nhân và 7 tập thể đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi 3 cấp, tăng 21 cá nhân và 3 tập thể so với năm 2008. Tín hiệu vui là việc xét chọn nông dân giỏi ngày càng chú trọng đến các mô hình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, số nông dân giỏi trên lĩnh vực độc canh cây lúa giảm dần (dưới 51%), số nông dân thực hiện mô hình luân canh lúa với cây trồng – vật nuôi khác, mô hình chuyên canh cây màu, làm dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, chăn nuôi… tăng lên đáng kể. “Ước tính trong 2 năm 2009 và 2010, có 1.187 lượt nông dân giỏi 3 cấp của xã đã làm tăng thêm giá trị hàng hóa cho xã hội gần 10 tỷ đồng. Những nông dân giỏi còn đi đầu trong việc tương trợ, giúp đỡ những nông dân khác vươn lên thoát nghèo và tích cực xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi một cách sâu rộng, phấn đấu tăng số lượng và chất lượng nông dân giỏi của xã từ 15 – 20%/năm”, ông Liền nhấn mạnh.