Trồng 8 ha mè, ông Thương phải đầu tư gần 140 triệu đồng để mua mè giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công làm đất, gieo trồng, tưới nước, làm cỏ, cấy dặm, chăm sóc, vận chuyển và thu hoạch... Ông Thương nói: “Sau khi gặt lúa Đông Xuân xong, tôi cho làm đất thật kỹ, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ... rồi gieo sạ tổng cộng 56 kg mè giống”.
Do bộ rễ cây mè chịu úng kém nên trước khi gieo sạ mè xuống ruộng, ông Thương cho người làm cỏ, cày xới đất cẩn thận... Khâu chăm sóc cho mè cũng rất đơn giản, nhưng đòi hỏi phải cần mẫn tưới nước cho đủ ẩm và có hệ thống thủy nông để thoát úng hợp lý... Ông Thương còn thuê nhân công làm sạch cỏ dại trong ruộng mè kết hợp với bón phân, phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc và phòng trừ sâu, rầy cùng các loại dịch bệnh hại mè. Ông Thương thường xuyên tưới đủ nước từ lúc gieo sạ cho đến cây mè trổ hoa... nhằm giúp cây phát triển tốt, phòng ngừa được sâu bệnh phá hại cây mè. Trong thời gian canh tác từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch, ông Thương bón tổng cộng 1.600kg phân Ure, 800 kg phân DAP, 80 kg phân Kali và bổ sung một ít phân bón lá, phân lân, phân NPK 16-16-8...
Nhờ cần cù chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến Nông huyện nên sau gần 3 tháng gieo trồng 8 ha ruộng mè của ông Thương đã thu hoạch đạt sản lượng trên 8 tấn mè thương phẩm, bán giá bình quân 30.000đồng/kg, thu nhập hơn 240 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Đỗ Văn Thương còn lãi trên 100 triệu đồng! Ông Thương chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục thuê đất để trồng mè và nếu được bà con cho mướn thêm đất tôi sẽ mở rộng mô hình trồng mè trên ruộng trong những năm tiếp theo. Bởi vì, trồng mè thu lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa... Muốn trồng mè đạt năng suất và chất lượng cao, khâu quan trọng nhất là phải thiết kế mương-rãnh tưới-tiêu nước hợp lý để hạn chế cây mè bị ngập úng. Đồng thời, phải tưới nước đầy đủ cho cây mè từ lúc gieo sạ đến khi trổ hoa…”.
Không chỉ có ông Đỗ Văn Thương mà 12 hộ tham gia trồng mè trên đồng đất HTX nông nghiệp Tân Phát, xã An Hòa đều đạt lợi nhận đáng kể. Anh Phan Văn Lợi quê ở tỉnh An Giang sang xã An Hòa, huyện Tam Nông thuê 7 ha đất ruộng, với giá 35 triệu đồng để trồng mè. Sau gần 3 tháng gieo trồng và chăm sóc, anh Lợi thu hoạch hơn 10 tấn mè thương phẩm, bán giá bình quân 33.000đ/kg. Trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc… gia đình anh còn lãi trên 150 triệu đồng!
Theo đánh giá của ông Trần Hồng Lạc - Trưởng Trạm Khuyến Nông huyện Tam Nông thì: Rõ ràng, cây mè phát triển tốt trong thời tiết khô hạn và rất thích hợp để luân canh với lúa, nhằm cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh khi độc canh cây lúa… góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập của nông dân. Sự thành công của mô hình trồng mè trên đất lúa đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong việc lựa chọn cây trồng hiệu quả nhằm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Người dân địa phương hiện đang học tập kinh nghiệm mô hình trồng mè trên nền đất sản xuất lúa của ông Thương, anh Lợi… để áp dụng, nhằm sớm thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và khá giả.