00:00 Số lượt truy cập: 2679118

Nông dân Vĩnh Linh thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây cao su tiểu điền 

Được đăng : 03/11/2016
Đến thời điểm này, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có 5.356 ha cao su tiểu điền, chiếm gần 67% diện tích cây cao su tiểu điền trong toàn tỉnh. Qua thực tế sản xuất, cây cao su tiểu điền không chỉ giúp dân thoát nghèo mà còn nhanh chóng vươn lên làm giàu.


Từ năm 1993, huyện Vĩnh Linh đã hình thành được 3 vùng kinh tế lớn là vùng núi, trung du và đồng bằng. Theo đó, huyện đã lập

Dự án di dân đến vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải với mục đích phát triển cây cao su ở vùng này. Đến năm 1996 UBND huyện Vĩnh Linh tiếp tục lập dự án “Xây dựng vùng cây cao su trên đất đỏ Vĩnh Linh“ với diện tích được quy hoạch 3.000 ha. Cũng trong thời gian này huyện tiếp nhận dự án “Đa dạng hoá cây nông nghiệp“ trong đó trọng điểm là phát triển cây cao su. Khi thực hiện các dự án này, các hộ nông dân được tỉnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi và được bù lãi suất sau đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kỹ thuật cạo mủ cao su.

Công ty cao su Quảng Trị cũng tạo điều kiện cung ứng giống cho người trồng. Qua đó cây cao su nhanh chóng thay thế các loại cây hiệu quả kinh tế thấp như cây phi lao, bạch đàn, và các cây nông nghiệp có hiệu quả thấp. Theo đó diện tích cây không ngừng được tăng lên, đến năm 1998 toàn huyện có 1.036 ha.

Nhờ có quy hoạch đúng và có các cơ chế chính sách khuyến

khích phù hợp nên nhiều vùng dân cư trong toàn huyện đã hưởng ứng và giành vốn, lao động cho việc phát triển cây cao su. Chỉ sau hơn 10 năm, đến nay diện tích cây cao su tiểu điền đã đạt hơn 5.000 ha, tăng gấp 10 lần năm 1993 và cơ bản phủ kín được đất trống, đồi trọc trên vùng đất thép Vĩnh Linh. Nhiều xã có diện tích lớn như Vĩnh Thuỷ trồng được 830 ha, Vĩnh Hà trồng được 400 ha, thị trấn Bến Quan và các hộ công nhân nông trường Quyết Thắng trồng được 1.303 ha... Ở các xã này có đến 60% số hộ tham gia trồng cao su và cho thu nhập bình quân 4 đến 5 triệu đồng/tháng/hộ. Thậm chí có những hộ như gia đình anh Dũng ở thị trấn Bến Quan với 40 ha cao su trong mùa khai thác mủ, mỗi ngày cho thu nhập 500.000 đến 700.000 đồng, gia đình anh Thông ở Vĩnh Kim cũng cho thu nhập từ 400.000 đến 500.000 đồng/ngày.

Vĩnh Linh cũng đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng,

xây dựng cơ sở chế biến. Hiện nay huyện đã xây dựng được 3 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất gần 4.000 tấn/năm đã giải quyết được đầu ra cho người trồng cao su. Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, cây cao su cũng đóng góp đến 60% GDP của ngành nông nghiệp trên toàn huyện. Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2010 sẽ nâng diện tích cây cao su tiểu điền lên 6.000 ha ./.