00:00 Số lượt truy cập: 3234859

Nông nghiệp Cà Mau 10 năm đột phá 

Được đăng : 03/11/2016

Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỉnh quy hoạch thành hai tiểu vùng sản xuất Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau. Vùng Nam Cà Mau sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, kết hợp nuôi trồng nhiều loài thủy sản nước mặn. Vùng Bắc Cà Mau nằm ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau, sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng các loại cây, con theo hệ sinh thái ngọt, đảm bảo tính bền vững và lâu dài.


Qua gần 10 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho thấy, việc quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã đi đúng hướng, phát huy được thế mạnh nhiều loại cây, con mang tính đặc trưng của từng vùng. Đời sống nhân dân có bước phát triển đáng kể.

ĐỘT PHÁ TỪ ĐA CANH

Anh Phạm Văn Thật, ở ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, nhiều năm thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi cá, trồng hoa màu. Đặc biệt là 2,5 ha nuôi cá thác lác cườm dưới chân ruộng lúa và trồng dưa hấu trên đất ruộng, ngoài vụ dưa hấu chính vụ thu hoạch ngay trong dịp Tết, anh còn trồng thêm vụ dưa hấu trái vụ mang lại hiêu quả kinh tế khá cao. Anh cho biết: "Nuôi cá thác lác cườm dưới chân ruộng lúa vừa tạo thức ăn tự nhiên cho cá, lúa lại ít bị sâu bệnh, giảm được chi phí sản xuất". Mô hình của anh được Sở Khoa học - Công nghệ đánh giá là đề tài khoa học thử nghiệm, cá đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Riêng thu hoạch lúa, dưa hấu, cá chình và cá bống tựơng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng/năm, chưa kể thu nhập từ chăn nuôi. Hiện nay, anh đã xây được nhà cơ bản, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo trong xóm.

Ở Tiểu khu 029, Phân trường 30/4, Công ty lâm nghiệp U Minh hạ cũng có một mô hình đa cây, đa con hiệu quả cao. Đó là mô hình của anh Trần Văn Sang. Với chiều dài 800 m bờ đê bao giữ nước PCCCR vào mùa khô, tính ra chưa đầy 0,5 ha đất, anh trồng 800 gốc cam, quýt, bưởi, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Chị Huỳnh Thị Kiên, vợ anh Sang nhớ lại: "Lúc mới về đây sống khổ lắm, ngoài công việc làm cỏ, trồng cây, hai vợ chồng còn đi làm mướn, giăng lưới, cắm câu kiếm cá bán thêm mới đủ ăn. Cứ như thế tích góp dành dụm, 3-4 năm sau cuộc sống mới ổn định và khá dần lên". Tuy ở giữa rừng, nhưng trong gia đình anh đã trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

LÀM GIÀU ĐÂU CHỈ CÓ CON TÔM

Cánh đồng lúa vàng ươm, trĩu hạt của anh Phạm Văn Thọ, ấp Chệt Ến, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời báo hiệu một vụ mùa bội thu. Anh Thọ phấn khởi: "Tui đã cấy lúa trên đất nuôi tôm nhiều năm nay, năm nào cũng thu hoạch từ 20-25 giạ/công (tương đương gần 5 tấn/ha, cao hơn vụ hè thu năm 2007 gần 1 tấn/ha). Những năm trước lúa trúng nhưng không bằng năm nay". Nhiều năm thực hiện mô hình này, anh Thọ tỏ ra rất kinh nghiệm: "Cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa có lúa gạo để ăn và chăn nuôi, lại cải tạo được môi trường nước, tôm nuôi ít bị chết. Cùng diện tích tôm nuôi trên đất lúa, tôm cho thu hoạch tăng gấp 2 lần so với những hộ không cấy lúa".

Anh Lê Văn Hùng, ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho biết: "Qua nhiều năm sản xuất cho thấy, sạ hoặc cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm mặc dù thu hoạch lúa năng suất không cao, hoặc có thể không thu hoạch được do không chủ động giữ được nguồn nước ngọt, nhưng bù lại tôm nuôi cho thu hoạch năng suất khá cao. Thực tế cho thấy, việc gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ làm giảm sự lưu truyền mầm bệnh cho tôm nuôi từ vụ này sang vụ khác".

Đồng chí Nguyễn Văn Tranh, Trưởng Phòng Kỹ thuật Sở NN&PTNT, phấn khởi: "Diện tích gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay đạt 166,89% kế hoạch. Điều đáng mừng hơn là năng suất và sản lượng lúa - tôm vượt ngoài dự đoán, khoảng 15 ngàn tấn, nâng tổng sản lượng lúa vụ mùa năm 2008 trong toàn tỉnh lên trên 500 ngàn tấn, vượt trên 8.000 tấn so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ có lúa, có tôm mà gần 100% diện tích nuôi tôm đều được bà con nông dân thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua, cá chẽm, cá kèo. Ngoài ra, bà con nông dân còn trồng nhiều loại cây ăn trái và hoa màu trên đất vườn và bờ vuông, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng cây ăn trái ở ấp Tân Hồng, xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi; mô hình trồng màu trên đất mặn ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Những kết quả đầy thuyết phục ấy đã tô điểm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn Cà Mau thêm rạng rỡ hơn với những sắc màu tươi thắm; mở ra một triển vọng mới cho người nông dân Cà Mau trên con đường phát triển và hội nhập.