00:00 Số lượt truy cập: 3234075

Nông nghiệp Sơn Tây - Quảng Ngãi: Từ đói đến đủ 

Được đăng : 03/11/2016
Lúc mới chia huyện, Sơn Tây có khoảng 14 ngàn dân, 92% trong số đó là đói. Có nhiều nguyên nhân, song điều ai cũng nhận ra là ruộng lúa nước quá ít, chỉ có 277 hecta, bình quân mỗi người vài trăm mét vuông. Vì vậy, để thoát đói, tiến tới đủ, huyện Sơn Tây đã làm một cuộc nhảy vọt trong khai hoang cũng như đưa vào sản xuất một số giống cây trồng vật nuôi khác..

Từ đói

Chưa xảy ra nạn đói kiệt vào những năm mới tách huyện, song đói giáp hạt thì liên tục xảy ra đối với đồng bào Ca Dong. Bình quân mỗi người chỉ có 200 mét vuông lúa nước, năng suất lại chỉ có 22 tạ/hecta, không đói mới là chuyện lạ.

Hầu như cả huyện chỉ có hai cánh đồng tương đối “mát mắt” một chút. Đó là đồng Tà Dô ở Sơn Tân, qua Bãi Màu một chút nhìn về hướng tây thì sẽ thấy và một cánh đồng nữa ở xã Sơn Mùa. Ở Sơn Tinh và Sơn Bua cũng có nhưng ruộng lúa ở đây có vẻ manh mún. Vì vậy, bà con Cà Dong tất tật đều bám vào cái rẫy. Mà làm lúa rẫy thì đi cả ngày mới gặp một bông lúa chắc, chủ yếu là trồng các loại rau, biến cái rẫy thành cái chợ của mỗi gia đình.

Những năm lụt bão, như năm 1999 chẳng hạn, lúa nước bị mất mùa mà lúa rẫy cũng bị gió trời thổi cho xác xơ nên cái đói luôn thường trực có mặt trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào. Trẻ em đứa nào cũng bụng to đít túm do thiếu dinh dưỡng vì đói cộng với một số bệnh tật khác.

Ngày ấy, chúng tôi có dịp cùng các đoàn cứu trợ lên Sơn Mùa phát gạo cho bà con. Mỗi người chỉ nhận được vài chục ký gạo mà chẳng khác nào nhận được vàng. Nói điều đó để thấy vấn đề lương thực đã trở nên bức thiết như thế nào đối với đồng bào Ca Dong ở Sơn Tây.

Một câu hỏi luôn đặt ra đối với các đồng chí lãnh đạo thời ấy là làm sao để kéo tỷ lệ đói xuống mức thấp nhất. Ông Lê Văn Đường, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thời mới chia huyện đã có lần tâm sự rằng, đừng nói đến chuyện xây dựng huyện trở thành thế này hay thế nọ nếu như dân vẫn còn đói. Vì vậy, công việc hàng đầu của huyện là phải tập trung lo cái đói cho dân, vì không thể chờ hàng cứu trợ mãi được. Một trong những giải pháp đưa ra là khẩn trương khai hoang và làm thủy lợi.

Đến đủ

Mười lăm năm qua là cả một chặng đường “mướt mồ hôi” của những người lãnh đạo huyện Sơn Tây đi tìm lối thoát cho trên 1 vạn dân Ca Dong. Hầu như không một xó núi hẻm rừng nào mà các vị lãnh đạo huyện này không đến.

Họ lặn lội về cơ sở, trước là để nắm tình hình thiếu đủ dưới dân, sau là “thám thính” xem thử nơi nào còn có thể khai hoang được. Từ 277 hecta năm 1994, nay diện tích cây lúa nước đã lên 741 hecta, thêm 468 hec ta lúa nước được khai hoang trong 15 năm qua là một con số đầy ý nghĩa đối với Sơn Tây.

 Anh Nguyễn Văn Chuyên, Phó phòng Nông nghiệp Sơn Tây nói rằng còn khoảng 100 hecta có thể khai hoang đang nằm trong tầm ngắm của huyện. Gần như huyện Sơn Tây đã vận dụng nhiều nguồn khác nhau, nhiều phương tiện khác nhau để biến những cánh đồng hoang thành những thửa ruộng màu mỡ.


Cánh đồng Tà Dô Sơn Tân. Ảnh: Trần Đăng

Nhưng khai hoang cũng chỉ là bước đi đầu tiên để tiến đến chuyện “đủ ăn” mà thôi. Có ruộng rồi mà không có nước tưới thì cũng bó tay mà trông trời. Vì vậy, xây các công trình thủy lợi là bước đi tiếp theo.

Nếu như mới lúc chia huyện, cả Sơn Tây không có công trình thủy lợi kiên cố nào ngoài các đập bổi do dân tự làm mà hễ mưa xuống là thành công cốc, đến nay toàn huyện đã có 19 công trình hủy lợi kiên cố, tưới cho 266 hecta/ vụ, nghĩa là dân không phải ngửa cổ gọi Giàng đổ mưa nữa.

Nước được xếp thứ nhất- nhất nước, thì đã có rồi, nhưng điều cốt lõi là phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Hầu như tất cả cán bộ của phòng nông nghiệp huyện đều phải về với dân để hướng dẫn họ trồng cây lúa nước. Năng suất từ 22 tạ/hecta nay lên gần 32 tạ/ hecta đủ nói lên công sức của cả dân lẫn cán bộ kỹ thuật đã đổ xuống các cánh đồng suốt 15 năm qua như thế nào rồi.

Người dân đã biết làm chuồng cho trâu, bò, nuôi con heo để lấy phân rải ruộng chứ không còn dể nó “đi chơi” như thuở xa xưa nữa. Đó là một cuộc cách mạng về nhận thức mà phải đánh đổi bằng lòng nhẫn nại và sự kiên trì trong việc tuyên truyền để bà con làm theo của những người cán bộ làm công tác phong trào.

Mới đây, có dịp đi dọc theo đường Đông Trường Sơn , cũng là đi dọc theo sông Bua, thấy những cánh đồng lúa trĩu hạt, đẹp mênh mang, điều mà 15 năm trước, dân Ca Dong vùng này chưa dám mơ tưởng.

Lo cho dân thoát hiểm cái đói, chỉ hạt lúa không thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải có sự kết hợp tổng lực trên nhiều “mặt trận” khác nữa. Cách đây 5 năm, chúng tôi về một làng hẻo lánh tận Ra Manh nhưng đã thấy những người phụ nữ Ca Dong nuôi heo đẻ, heo lai hẳn hoi, và nhốt trong chuồng nữa. Hỏi ra mới biết, người dân đã được hướng dẫn cách đó mấy năm rồi.

Nuôi heo đẻ lẫn heo thịt để cùng cây lúa nước quét đi cái bóng đêm đói nghèo vẫn luôn ám ảnh từ ngàn đời nay của người Ca Dong. Năm năm trở lại đây, cây keo lai đã có mặt tại Sơn Tây, lập tức thành lực hút của người dân. Nó cũng sẽ là một nốt trong dàn nhạc “xóa đói” đang được xướng lên tại vùng rừng này. Rồi cây sắn, cây ngô, cây đậu cũng bắt đầu xuất hiện với tư cách là cây hàng hóa ở Sơn Tây. Con đường Đông Trường Sơn đang vắt ngang qua huyện này đã thành chiếc phao để người dân có thể bơi qua đói nghèo mà đến bến bờ nó ấm.

Thống kê của huyện cho biết, hiện vẫn còn 58% hộ đói. Có thể đây chỉ là con số mang tính “sổ sách”, vì rằng, về Sơn Tây bây giờ, ập vào bất cứ một gia đình nào của người Ca Dong thì sẽ không thấy cái cảnh hết gạo như những năm trước đây.

Đó là một thực tế chúng ta cần phải thừa nhận. Không khoe thành tích nhưng cũng không nên kêu rên than nghèo giả khổ làm gì! Dân vẫn chưa no đủ như mong mỏi của chính quyền cũng như kỳ vọng của chính họ, song chuyện đói kiệt gần như đã chấm dứt. Đó là một tín hiệu vui. Để có tín hiệu vui ấy, trên một vạn dân Ca Dong đã phải kiên trì vật lộn với núi rừng suốt 15 năm qua.