00:00 Số lượt truy cập: 3234580

Nuôi cá đối mục ở Nam Định - Hướng đi cho người dân vùng ven biển có thu nhập thấp 

Được đăng : 03/11/2016

Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển với 72 km đường bờ biển thuộc phía nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có lợi thế cả 3 vùng nước (ngọt, lợ, mặn) với diện tích tiềm năng có thể nuôi trồng thuỷ sản là 36.150 ha. Trong đó, diện tích có thể nuôi nước ngọt 13.500 ha; diện tích nuôi mặn lợ là 22.650 ha.


Diện tích đã nuôi: đến năm 2007 là 14.300 ha. Trong đó, nuôi mặn, lợ là 6.600 ha, với 4.300 ha nuôi tôm, 1.000 ha nuôi ngao, 1.300 ha nuôi các đối tượng khác.

Đến nay, con tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng nước lợ. Toàn tỉnh có gần 2.000 hộ nông dân tham gia nuôi tôm sú với hàng ngàn lao động. Tổng diện tích nuôi tôm sú đã lên 4.300 ha. Trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh là 200 ha và bán thâm canh là 750 ha, số diện tích còn lại là nuôi quảng canh cải tiến.

Những năm qua, con cua vẫn là đối tượng chủ lực thứ hai sau tôm sú ở vùng nuôi nước lợ, nhưng diện tích nuôi cua chuyên canh rất ít mà chủ yếu là nuôi luân canh, xen canh với các đối tượng khác.

Đối tượng thứ ba, thế mạnh của Nam Định là con ngao: Diện tích nuôi ngao là 1000 ha, lượng giống thả năm 2007 là 800 tấn, trong đó: ngao giống khai thác tự nhiên và sản xuất nhân tạo tại tỉnh là 350 tấn, giống nhập về là 450 tấn. Năng suất bình quân đạt từ 15 – 20 tấn/ha/năm. Năm 2008, sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay.

Ngoài những con nuôi chủ lực trên, các con nuôi khác như tôm rảo, tôm chân trắng, cá bớp, cá song, cá vược, rong câu chỉ vàng… vẫn được duy trì, phát triển cho năng suất và sản lượng khá cao thì nay có thêm con cá đối mục.

Ở Việt Nam, cá đối mục phân bố từ Bắc đến Nam, tập trung nhiều nhất là vùng biển Nam Định. Cá đối mục là một loại cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, thích hợp cho những người nông dân ven biển có thu nhập thấp. Hiện nay, cá đối mục là đối tượng được nuôi nhiều ở Philippin, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan...

Cá đối mục được nuôi ở vùng ven biển và rộng nhiệt; chúng sống và sinh trưởng tốt ở môi trường nước lợ, mặn và có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 30 - 35 độ C, thích hợp nhất là 12 - 250C. Cá có thân dài, mình tròn, mắt to và có màng mỡ rất dày. Lưng có màu xanh ô liu, mặt bên có màu trắng bạc ở phần bụng, chiều dài lớn nhất lên tới 120cm, thông thường 50cm. Nhu cầu hàm lượng oxy hòa tan trong nước của cá đối mục không cao, chỉ cần nước có hàm lượng oxy hòa tan trên 2mg/lít là cá sống bình thường.
Từ thực tế trên người ta không nuôi đơn cá đối mục mà chúng được nuôi ghép với các đối tượng khác như: cá hồng mỹ, chim biển vây vàng, cá chẽm, cá măng, tôm… sẽ cho thu nhập cao hơn. Cá đối mục ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ. Giá cá đối mục tại nước ta dao động khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Hiện nay chưa sản suất được giống, chủ yếu là do bà con thu gom tự nhiên nhưng. Tại trường Đại học Nha Trang đang triển khai dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá đối mục”, dự kiến đến cuối năm nay sẽ cung cấp giống cho người nuôi.