00:00 Số lượt truy cập: 3230337

Nuôi cá hồi nơi biên giới 

Được đăng : 03/11/2016

“Nếu năm ngoái cá hồi thương phẩm ế thì đã 3 tháng nay chúng tôi không có cá để bán. Thị trường đã được mở rộng ra một số tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai… Đến tháng 7, chúng tôi đã bán hết hơn 1 vạn con cá thương phẩm của lứa cá năm nay”. Thiếu tá Nguyễn Văn Tân - Tổ trưởng Trại cá hồi Biên phòng tỉnh Lai Châu khoe với chúng tôi.


Dẫn chúng tôi thăm một vòng 10 bể cá của trại, anh Tân giới thiệu: Để nuôi được cá hồi, cần nhất là nguồn nước sạch, lạnh quanh năm. Đây là giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao nhưng mức đầu tư, rủi ro cũng lớn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, chúng tôi lại mất ăn mất ngủ. Mấy anh em ở Trại thường tếu táo với nhau, nuôi cá hồi như chăm con mọn vậy, nào là kiểm tra nhiệt độ nước, cho ăn, dọn vệ sinh đáy bể nhiều lần trong ngày, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng đi tong cả vốn như chơi.

Được biết sau gần 3 năm “vật lộn” với loại cá “khó tính” này, bây giờ cán bộ trại đã tạm yên tâm bởi bước đầu cá hồi được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Đặc biệt, năm nay một số siêu thị lớn tại Hà Nội đã đến đặt hàng.

Cán bộ Trại cá hồi Biên phòng tỉnh kiểm tra sự sinh trưởng phát triển của cá hồi.

Tuy nhiên, yêu cầu cá thương phẩm phải có trọng lượng từ 4 kg/con trở lên. Trong khi đó giống cá hồi vân đơn tính trại vẫn nuôi từ trước đến nay chỉ cho trọng lượng dưới 3 kg, nếu để to hơn cá sẽ tức trứng, chết. Do vậy, lứa cá này trại đã quyết định chuyển hẳn sang nuôi giống cá hồi vân lưỡng tính với số lượng 1,3 vạn con.

Năm 2008 mô hình nuôi thử nghiệm cá hồi chính thức được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng triển khai tại xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ). Ban đầu Trại chỉ có 4 bể nuôi thử nghiệm.

Anh Tân cho biết: Lúc đó, nói đến kỹ thuật nuôi cá hồi thì anh em chúng tôi ai cũng “mù tịt”. Tuy nhiên, với quyết tâm làm bằng được, chúng tôi đã đề nghị đơn vị đưa 2 cán bộ đi đào tạo kỹ thuật nuôi cá. Những anh em còn lại tự tìm tòi mày mò kinh nghiệm qua sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng và đến các cơ sở nuôi cá của các tỉnh bạn trực tiếp học hỏi. Kết quả lứa cá hồi thương phẩm đầu tiên thành công trong sự vui mừng đến khó tả của cán bộ chiến sỹ cả đội.

Anh Tân kể thêm: “Năm 2009, lần đầu tiên cá hồi của Trại gặp sự cố. Khi đó khoảng tháng 4, thời tiết nóng hơn nhiều so với những tháng trước, do bất ngờ không xử lý kịp, các bể nổi trắng cá và gần 1/3 số cá đã chết. Mặc dù thiệt hại khá lớn nhưng quan trọng là cả tổ đã thêm bài học quý giá trong quy trình nuôi cá hồi”.

Khi những lứa cá hồi đầu tiên xuất ra thị trường đồng nghĩa với những lo lắng về quy trình sản xuất được giải quyết. Song sản phẩm cá hồi thương phẩm lại đứng trước khó khăn về đầu ra, bởi nguồn cung chỉ dừng lại ở một số nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.

Nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm cá hồi, cán bộ, chiến sỹ của trại đã lên kế hoạch vận chuyển cá hồi sang các tỉnh bạn lân cận để chào hàng và giới thiệu sản phẩm. Kết quả, cá thương phẩm của trại sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Thành công nối tiếp thành công, từ việc lựa chọn giống, thức ăn đến khâu chăm sóc cẩn thận, nghiêm ngặt, đến nay, trại đã có những lứa cá được khách hàng đánh giá cao. Số lượng bể nuôi dần tăng, đến nay toàn Trại đã có 10 bể với số lượng nuôi trung bình 1 – 1,3 vạn con/lứa. Riêng đầu năm 2010, Trại đã xuất được 10 tấn cá với giá thành 200.000 đồng/kg (cao hơn năm 2009 là 50.000 đồng/kg), lãi suất 20 – 25% trên đầu vốn.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất là Trại chưa chủ động được con giống, các lứa nuôi đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống cá từ Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Thác Bạc (tỉnh Lào Cai). Hơn nữa, quy mô nhỏ trong khi thị trường ngày càng lớn nên cung khó đáp ứng được cầu.

Theo lời anh Tân thì các anh cũng đã nghĩ đến việc sản xuất cá giống nhưng nhu cầu của trại quá ít, trong khi đó nhu cầu con giống trong tỉnh chưa có, nếu đầu tư sản xuất thì hơi lãng phí.

Ngoài cá hồi thương phẩm, hiện Trại đã nuôi thử nghiệm thêm cá tầm Bắc Âu. Tuy năng suất và tốc độ phát triển của giống cá này chậm hơn cá hồi nhưng yêu cầu về nhiệt độ của nước và thức ăn không cao như cá hồi. Hơn nữa đây là giống cá có giá trị kinh tế cao, khi nuôi trong lượng có thể lên đến hàng chục kg/con. Do số lượng bể có hạn, diện tích hẹp nên số lượng cá nuôi thử nghiệm chỉ dừng lại ở vài chục con. Trại đã xuất được hơn 1 tạ cá tầm với giá thành 450.000 đồng/kg.

Trong cái bắt tay thật chặt trước khi ra về, chúng tôi được anh Tân tiết lộ: “Trại đã lên kế hoạch xây thêm 10 bể nuôi cá. Trong đó, sẽ dành 20 – 30% diện tích trong 10 bể mới để nuôi cá tầm. Nếu từ nay đến cuối năm xây xong thì đầu năm có thể thả lứa đầu tiên, cuối năm bán là vừa. Như vậy sẽ có sản phẩm cung cấp ra thị trường quanh năm. Chúng tôi tin, ngày mai không xa “thương hiệu cá hồi Lai Châu” sẽ không chỉ dừng lại ở những tỉnh bạn lân cận mà còn vươn xa hơn nữa".