Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ nội địa cá nước lạnh ngày càng tăng do mức sống của người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang... Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.700 tấn cá nước lạnh để đáp ứng nhu cầu thực khách. Trong khi đó, tổng sản lượng cá nước lạnh trong nước hiện nay chỉ ước đạt tối đa 320 tấn/năm (năm 2009). Điều này cho thấy, thị trường trong nước vẫn là một “mảnh đất màu mỡ” cho việc phát triển nuôi cá nước lạnh cho đến khi cung bắt kịp cầu.
Nhìn xa hơn, trên thế giới, ngay tại các nước “quê hương” của các loài cá nước lạnh, việc đánh bắt cá đã gây nên tình trạng báo động đỏ cho những loài cá này. Ở một số nước, cá tầm hoang dã và trứng cá tầm hoang dã đã được đưa tên vào sách đỏ, cấm khai thác, tiêu thụ. Và lượng cá tầm nuôi và đánh bắt được trên thế giới chỉ mới đáp ứng chưa đầy 30% nhu cầu tiêu thụ.
![]() |
Cá hồi giống |
Vì vậy, theo các nhà khoa học thuộc Viện 3, nếu tiềm năng phát triển nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm ở Tây Nguyên được khai thác và phát huy với hàng chục ngàn ha, sẽ mở ra một hướng làm ăn mới hiệu quả và con cá tầm sẽ là một lợi thế phát triển kinh tế cho nhân dân nơi đây. Thậm chí còn có thể hiệu quả không thua kém gì so với trồng cây cà phê và cao su. Và việc xuất khẩu loài cá nhập nội này về lại các thị trường vốn là “quê hương” của chúng là tương lai trông thấy.
Hiện nay, một số công ty lớn như Cty cá tầm Việt Nam còn có định hướng ngoài việc nuôi và xuất khẩu cá tầm còn nuôi cá tầm để lấy trứng (chế biến món trứng cá muối Cavia) xuất khẩu với mục tiêu chính trong một vài năm tới sẽ xuất khẩu trứng cá tầm sang các nước Nhật, Mỹ, Nga…
Vướng!
Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuân Thu – Viện trưởng Viện 3 cho biết: Khó khăn lớn nhất cho việc phát triển nuôi các loại cá nước lạnh ở nước ta hiện nay là con giống. Toàn bộ con giống của loài cá nước lạnh nhập nội chúng ta đều phải nhập khẩu từ các nước như Nga, Na Uy… Nhưng do cá tầm và cá hồi thuộc loại động vật quý hiếm nên việc xuất khẩu cá giống ở các nước này gặp rất nhiều khó khăn. Về phía ta cũng vẫn chưa có văn bản quy định nào về tiêu chuẩn giống cá nước lạnh nên chúng ta vẫn còn phải nhập từ tế bào phôi trứng theo đường tiểu ngạch nên rất khó bảo đảm về chất lượng và an toàn vệ sinh dịch bệnh trước khi đưa con giống ra sản xuất. Riêng tỉnh Lâm Đồng, năm 2009 cần có 530.000 con giống và theo tình hình phát triển “nóng” hiện nay thì dự kiến đến năm 2014 sẽ cần đến khoảng 3 triệu con.
Được biết, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trong cả nước đang hợp tác nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo cá nước lạnh; sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá nước lạnh và hoàn chỉnh quy trình nuôi. Riêng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã chuẩn bị đàn cá bố mẹ, dự kiến đến tháng 8/2010 có thể cho sinh sản nhân tạo. Đồng thời Viện cũng đang nghiên cứu đề tài quy trình nuôi công nghiệp cá nước lạnh năng suất cao, 60 tấn/ha. |
Bên cạnh đó, cái “vướng” không nhỏ khác là vấn đề thức ăn. Hiện nay chủ yếu thức ăn nuôi cá nước lạnh đều đang phải nhập khẩu nên giá thành cao, vốn đầu tư lớn, người nuôi thu lãi chưa cao. Riêng Lâm Đồng đã nhập đến 1.200 tấn thức ăn cho cá hồi và 2.400 tấn thức ăn cho cá tầm.
Việc phát triển nhanh trong nuôi các loại cá nước lạnh sẽ phát sinh nhiều vấn đề tất yếu như tác động đến môi trường, tài nguyên nước… nên rất cần có một quy hoạch chi tiết, cụ thể và khoa học với sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, các Viện nghiên cứu và nhà sản xuất.
Ngoài ra, có một thực trạng là hầu hết việc đầu tư nuôi cá nước lạnh quy mô nhỏ đều đang tự phát. Quy trình nuôi, phương pháp điều trị bệnh, quy trình xử lý nước… vẫn còn chuệch choạc, rất cần được nghiên cứu và phổ cập đến cho người dân về quy trình kỹ thuật nuôi cá nước lạnh thương phẩm, bệnh cá nước lạnh, các ứng dụng nuôi công nghiệp năng suất cao…
Công nghệ chế biến và tiêu thụ sau thu hoạch cũng là một vấn đề lớn. Hầu hết cá thương phẩm đều được tiêu thụ trong nước, dạng sống. Phương thức này chỉ có thể áp dụng cho những quy mô nhỏ như hiện nay. Đến khi sản lượng tăng cao và vươn ra thị trường xuất khẩu thì vấn đề chế biến sau thu hoạch là hết sức quan trọng, vì các sản phẩm chế biến từ các loại cá này có giá trị hơn so với cá tươi sống trên thị trường xuất khẩu. Và việc xây dựng thương hiệu cũng cần phải có kế hoạch triển khai.