00:00 Số lượt truy cập: 3232534

Nuôi cá nước lạnh ở Tây Nguyên 

Được đăng : 03/11/2016
Cá nước lạnh gồm cá hồi vân và cá tầm được du nhập vào nước ta từ đầu năm 2005, ban đầu được nghiên cứu nuôi thử nghiệm tại Sa Pa. Vào tháng 4/2006, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Viện 3) đã đưa 20.000 con cá hồi giống và 20 con cá tầm từ Sa Pa đưa về nuôi thử nghiệm rất thành công ở Lâm Đồng. Từ kết quả thử nghiệm rất khả quan này đã có rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã triển khai đầu tư nuôi cá nước lạnh.

CÁ HỒI NUÔI VÙNG LẠNH

Có thể sống khỏe ở nhiệt độ từ 10 – 17 độ C, mật độ nuôi thích hợp từ 18 – 20kg/m3, cá hồi vân đang được nuôi ở những vùng có khí hậu lạnh và độ cao trên 1.200m (so với mặt nước biển). Bắt đầu từ tháng 4/2006, những con cá hồi vân đầu tiên được nhập về nuôi tại thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Cá được nuôi trong ao lót bạt với nguồn nước suối lạnh lưu thông liên tục được lấy từ rừng già, nhiệt độ nước từ 16-19oC. Sau một năm nuôi thả, cá hồi đạt kích cỡ trung bình từ 1-1,7kg/con, tỷ lệ sống đạt gần 80%. Năng suất quy đổi đạt 40 tấn/ha. Giá bán cá hồi vân trên thị trường hiện nay khoảng 120 - 160 ngàn đồng/kg, người nuôi có thể thu 3,6 - 4,8 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận đạt 40-50%.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan – Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, kiêm Giám đốc Cty cổ phần Giang Ly đang đầu tư nuôi cá nước lạnh, cho biết: Mục tiêu đến năm 2010 sẽ phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng lên 20 ha và đến năm 2014 sẽ đạt 200 ha với sản lượng đạt 2.500 tấn, trong đó cá hồi 1.000 tấn và cá tầm các loại 1.500 tấn với giá trị sản xuất đạt khoảng 350- 400 tỷ đồng.

Kết quả hết sức khả quan này đã gây chú ý cho nhiều nhà đầu tư, lần lượt các dự án nuôi cá hồi được thực hiện tại Lâm Đồng. Đến nay, tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đam Rông hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư nuôi cá hồi vân, chỉ trong 2 năm, diện tích nuôi cá hồi vân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng lên khoảng 10 ha. Dự kiến năm 2009, sản lượng cá hồi thương phẩm tại Lâm Đồng đạt trên 150 tấn. Và mô hình này đang lan rộng ra các tỉnh ở Đăk Lăk, Kon Tum… Tính đến nay, ở Tây Nguyên đã có 25 ha nuôi cá hồi vân tập trung ở những vùng cao, lạnh dưới 18oC. Và không dừng lại ở đó, có nhiều những dự án khác đang được tiếp tục đầu tư với quy mô lớn.

Không chỉ có ở Tây Nguyên, ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, cũng đã “sốt” nuôi cá hồi với những trang trại nuôi được đầu tư quy mô lớn ở Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, v.v.

CÁ TẦM CHO VÙNG MÁT

Bắt đầu từ tháng 5/2005, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2kg trứng cá tầm Seberia đã thụ tinh được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 nhập về nuôi thử nghiệm với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Nga. Và tháng 4/2006, Viện 3 đã mang 20 con cá tầm về nuôi thử nghiệm tại Lâm Đồng. Sau 14 tháng, những con cá tầm đã tăng trưởng bình quân 0,6 – 0,8kg/con/tháng và đặc biệt là tỷ lệ sống đạt trên 95%, giá cá tầm thương phẩm 280 – 300.000 đồng/kg. Kết quả này đã gây ngạc nhiên cho cả các chuyên gia Nga về khả năng thích nghi và tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở Tây Nguyên.

Nếu cá hồi thích hợp với nhiệt độ dưới 18oC, thì các tầm lại có thể thích nghi và phát triển tốt ở vùng có độ cao từ 600m trở lên, nhiệt độ 18 – 25oC. Chính điều kiện này đã là “lợi thế” của đối tượng nuôi này về địa điểm nuôi đối với cá hồi.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuân Thu, Viện trưởng Viện 3 cho biết: Diện tích có thể nuôi được cá tầm ở Tây Nguyên rất lớn, đặc biệt nuôi tại các hồ chứa với khoảng 54.000ha. Trong khi đó, diện tích thích hợp để nuôi cá hồi ở Tây Nguyên chỉ khoảng 250ha. Đây chính là tiềm năng của Tây Nguyên nếu phát triển nuôi cá tầm, có thể nuôi thương phẩm hoặc nuôi để lấy trứng.

Trên thực tế hiện nay, không chỉ ở các tỉnh vùng cao phía Bắc có nhiệt độ lạnh quanh năm hay các tỉnh Tây Nguyên mà ngay cả một số vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… hay thậm chí các tỉnh Duyên hải miền Trung đều có những vùng có khí hậu thích hợp với nuôi cá tầm, ví như: Trên hồ Đa Mi, tỉnh Bình Thuận, Cty cá tầm Việt Nam và Cty cổ phần cá tầm long Đạ Mi đã đầu tư nuôi cá tầm rất thành công trong 30 lồng với 23.000 con trên diện tích 30ha.