00:00 Số lượt truy cập: 2668471

Nuôi đà điểu “siêu” lợi nhuận 

Được đăng : 03/11/2016

Trại nghiên cứu đà điểu Ba Vì hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ cơ sở kỹ thuật nghiên cứu khoa học, xác định công nghệ chăn nuôi, cũng như khép kín “từ sản xuất đến bàn ăn” đối với đà điểu.


Dẫn tôi đi thăm trại nuôi đà điểu, Thạc sĩ Hoàng Văn Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, nói: “Nhà nước ta nhận biết giá trị của đà điểu, đánh giá đúng năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật Việt Nam và chúng tôi đã chứng tỏ được khả năng đó”.

Hai quả trứng đầu tiên “nở” thành trung tâm

Thật kinh ngạc khi lần đầu tiên được trông thấy những quả trứng đà điểu. Quả trứng nào cũng nặng 1,3-1,5-1,6 kg, to và giống hệt quả bưởi Năm Roi. Bộ phận ấp chia ra các phòng ấp 39 tiếng đồng hồ. Bên cạnh một số tủ ấp trị giá hàng trăm triệu đồng mua của nước ngoài, là một loạt tủ ấp do Trung tâm nghiên cứu chế tạo, cải tiến cho phù hợp với điều kiện miền Bắc có độ ẩm cao do gió mùa, đảm bảo kỹ thuật, nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với tủ ấp mua của nước ngoài.

Mới một ngày tuổi mà đà điểu đã phổng phao, không cần ăn uống gì. Đến ngày thứ ba, các chú sơ sinh được chuyển sang chuồng nuôi cách biệt hẳn khu vực ấp đòi hỏi tuyệt đối vô trùng. Chỉ ít ngày sau, lũ đà điểu đã to như gà cồ, ăn uống thoải mái.

Ấn tượng nhất là những ngăn chuồng đà điểu ở độ tuổi thành thục. Đây là những con trống 30 tháng tuổi, những con mái 24 tháng tuổi. Chúng to lớn và oai vệ hơn hẳn những đà điểu dò 12-24 tháng tuổi trông đã “to con”, từ 100 -140 kg. Ở những khu vực này, có những ngăn chỉ 3 con, một số ngăn có bầy. Tất cả đều ngăn bằng lưới thép.

Đà điểu cao lênh khênh, người đi đến đâu chúng men theo đến đó, rất thân thiện. Con trống cao 2,7 mét, con mái chỉ 2 mét, đều dễ dàng vươn cổ ra đớp cỏ của ai đưa cho chúng. Đà điểu không chỉ biết bảo vệ “gia đình”, mà còn biết bảo vệ cộng đồng. Ban đêm, dù ở trại an toàn, chúng vẫn tụ tập vào hai bên hàng rào cạnh nhau, con trống nằm phía ngoài bảo vệ cho các con mái nằm phía trong.

Thịt đà điểu ngon hơn thịt bò nhưng mềm hơn, thơm ngon hơn, được coi là loại thịt sạch của thế kỷ 21. Kỹ sư Nguyễn Thị Quảng, chuyên gia về thực phẩm đà điểu, nói: “Điểm vượt trội của thịt đà điểu là hàm lượng mỡ chỉ có 2%, cholesterol 58 mg/100 gam thịt, năng lượng thấp 114 kcal/100 gam thịt nhưng lại giàu protein 21,9/100 gam thịt”.

Về thành phần khoáng chất, hàm lượng natri trong thịt đà điểu thấp hơn nhiều so với thịt bò và thịt gà. Hàm lượng sắt, phosphor, mangan và đồng trong thịt đà điểu lại cao hơn nhiều so với các loại thịt khác. Chính vì thế, bà Quảng nghiên cứu và chế biến ra 36 món ăn từ thịt đà điểu, đang được các nhà hàng cao cấp áp dụng.

Nghiên cứu của Trung tâm cho thấy đà điểu ta nuôi hoàn toàn đạt các chỉ tiêu của thế giới. Năng suất của đà điểu cao hơn hẳn so với bò, lợn, gà, cả về thịt, da và lông, và tiêu tốn ít thức ăn hơn.

Mỗi năm đà điểu đẻ 25-30 con, một mái mỗi năm cho sản lượng thịt 2,5-3 tấn, so với trâu bò chỉ đẻ 1 con, cho 250 kg thịt, lợn đẻ 20 con, cho 2 tấn thịt. Một đời đà điểu mái cung cấp 90-120 tấn thịt, hơn hẳn một đời trâu bò chỉ là 20-24 tấn, và lợn là 4-5,5 tấn. Một con đà điểu có sản lượng da 30 m2 và 25 kg lông, trâu bò chỉ có 2,7 m2 da.

Việt Nam có đủ điều kiện phát triển nuôi đà điểu

TS. Phùng Đức Tiến cho biết da đà điểu có chất lượng cao hơn cả da voi và da cá sấu. Loại da này rất mềm mại, có đặc điểm độc đáo là những nang lông tự nhiên tạo nên chất lượng tuyệt vời. Trung tâm đã phối hợp với ngành da giày, sản xuất ra các mặt hàng giày, túi xách, ví, găng, dây lưng... cao cấp, thường có giá tính bằng trăm USD. Da đà điểu quí và đắt nhưng lại không bị luật pháp quốc tế cấm, vì chúng xuất phát từ loài được chăn nuôi, được phát triển.

Vì những ưu thế về thịt và da, nên đà điểu đã và đang được nhiều nước nuôi, nhất là ở Nam Phi, Mỹ. Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, cũng như châu Âu, châu Phi đã hình thành nhiều trang trại đà điểu với số lượng ngày càng lớn. Trung Quốc có trên 400 trang trại nuôi hơn 8 vạn đà điểu sinh sản.

Việt Nam tuy mới nuôi đà điểu, nhưng do có kế hoạch nghiên cứu đồng bộ, từ đặc điểm sinh vật học, di truyền chọn giống, dinh dưỡng thức ăn, đến các giải pháp kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, qui trình thú y phòng bệnh, nên đã từng bước hoàn thiện công nghệ chăn nuôi đà điểu. Cùng với những khởi động tích cực của kinh tế thị trường, sự nhạy bén, năng động, tự chủ của kinh tế trang trại, Trung tâm đã năng động chuyển giao công nghệ, cung cấp con giống cho gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đánh giá kết quả ban đầu về đà điểu, Giám đốc Trung tâm Phùng Đức Tiến căn cứ vào thực tế khách quan: “Sau 9 năm nghiên cứu, đã từng bước hoàn thành qui trình công nghệ chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam, gồm nuôi sinh sản, nuôi từ 0 đến 3 tháng tuổi, nuôi thịt, ấp trứng, thú y phòng bệnh. Bước đầu cũng đã chuyển giao có hiệu quả cao đến nhiều nơi, đặc biệt không hề có một con đà điểu nào bị lây nhiễm trong suốt thời gian có dịch cúm gia cầm. Trước mắt, chúng tôi tập trung nghiên cứu hệ thống giống hình tháp từ dòng thuần tới con thương phẩm, để sử dụng được ưu thế lai giữa các dòng. Song song, triển khai nghiên cứu một cách hệ thống về thức ăn dinh dưỡng, để phát huy tối đa tiềm năng con giống, hạ giá thành sản phẩm”.