00:00 Số lượt truy cập: 3228984

Nuôi dê thoát nghèo ở một vùng quê 

Được đăng : 03/11/2016

Xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện có 2.470 hộ gia đình, với trên 11.000 nhân khẩu. Là một xã miền núi, Sơn Trạch có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó nghề nuôi dê thả rừng đã thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình ở đây thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn.


Đến Sơn Trạch tìm hiểu về nghề nuôi dê thả rừng, tôi được biết, ông Trương Văn Lự, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Trạch chính là người đầu tiên đưa nghề nuôi dê về với vùng quê nghèo. Kể về quá trình đến với nghề này, ông Lự cho biết: cũng như nhiều gia đình khác ở Sơn Trạch, trước đây gia đình ông chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, trong khi đồng lương của một Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã hạn chế nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau bao trăn trở, suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo, nhận thấy địa bàn mình sinh sống có diện tích rừng, đồi lớn, rất phù hợp với nghề nuôi dê thả rừng, năm 2000, ông đã đầu tư vốn liếng mua 7 con dê giống về thả nuôi. Lúc đầu tuy chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ quá trình tự tìm hiểu, tham khảo các loại tài liệu và trao đổi kinh nghiệm với những hộ chăn nuôi dê ở các huyện khác trong tỉnh, dần dần ông Lự và gia đình đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi giống vật nuôi này. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 7 con dê làm vốn ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình ông đã lên đến 60 con, bình quân mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ nghề chăn nuôi dê thả rừng, đến nay toàn xã Sơn Trạch đã có gần 60 hộ nuôi dê, với gần 1.000 con, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân Sơn. Theo kinh nghiệm của những hộ nuôi dê ở đây thì những nơi có diện tích đất đồi rừng lớn, việc đầu tư thả nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng được nguồn thức ăn từ tự nhiên. Ngoài ra, do dê thường xuyên vận động, leo trèo trên núi và ăn nhiều lá cây rừng nên thịt dê thường săn chắc, mỡ ít, nạc nhiều, được thực khách ưa chuộng hơn. Ngoài cung cấp nguồn dê thịt dồi dào cho thị trường, Sơn Trạch còn cung cấp nguồn dê giống ổn định cho người chăn nuôi ở Quảng Bình.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế đạt được kể trên, nếu được quan tâm và đầu tư hơn nữa, nghề nuôi dê ở Sơn Trạch sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng bởi hạn chế được tình trạng người dân trong vùng vào rừng khai thác lâm sản.