Đối với nông dân huyện Minh Long (Quảng Ngãi), nhất là người Hrê thì nuôi ếch lồng là mô hình hoàn toàn mới. Trong năm 2010 Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình này tại thôn Gò Chè, xã Long Sơn. Qua đó đã mở ra một hướng đi mới trong việc đưa những vật nuôi có giá trị kinh tế, thích hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu cho người dân miền núi Minh Long.
Để giúp người dân miền núi xóa nghèo nhanh và bền vững, điều quan trọng nhất là phải giúp người dân có kiến thức và phải bỏ tính trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nên việc tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con và đưa các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều quan trọng.
Mô hình nuôi ếch công nghiệp.
Thấy được hiệu quả đó, các hộ khác sẽ làm theo. Khi người ta có thu nhập từ chính công lao động của mình, đồng tiền đó sẽ có ý nghĩa lớn và sẽ biết sử dụng đồng tiền mình làm ra có hiệu quả hơn. Những năm trước đây, bà con Hrê ở huyện Minh Long chỉ biết xuống suối bắt cá, soi ếch về cải thiện bữa ăn. Còn những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp các ngành đã tổ chức tập huấn và đưa cá nước ngọt về nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở huyện Minh Long đã đào ao nuôi cá nước ngọt và đã cho thu nhập đáng kể.
Nhằm đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản ở miền núi, góp phần tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, trong năm 2010, được sự đầu tư của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh, trạm khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã tiến hành triển khai mô hình nuôi ếch lồng. Vì đây là mô hình mới, hơn nữa phải chọn những hộ có ao hồ và phải siêng năng, tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật.
Qua khảo sát, Trạm đã chọn hộ ông Trương Công Thanh và ông Đinh Tấn Định ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn làm điểm nuôi. Trước khi thả nuôi, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn hộ nuôi làm lồng, xử lý ao và cấp nước cho hồ đúng kỹ thuật; đồng thời tổ chức tập huấn cho 15 hộ có ao hồ nuôi cá và có nhu cầu nuôi ếch. Sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã ký hợp đồng với Trung tâm giống thủy sản và tiến hành kiểm tra nghiệm thu và mua cấp 4.480 con giống cho 2 hộ nuôi. Mỗi con giống có trọng lượng 20 g, khoẻ mạnh, không bệnh tật và đồng đều. Sau khi ếch được thả nuôi trong lồng Trạm đã tiến hành cấp thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống kiểm tra hướng dẫn hộ nuôi về cách cho ăn và phòng trừ dịch bệnh.
Trao đổi với ông Trương Công Thanh người trực tiếp được chọn làm mô hình, ông Thanh cho biết, ông được cho đi tập huấn, được cấp con giống, thức ăn và cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn về cách phòng trừ bệnh cho ếch cũng như liều lượng cho ăn mỗi ngày. Nhưng khó khăn là vì đây là con vật mới, nên lúc đầu cũng bỡ ngỡ, nếu không thường xuyên theo dõi và nguồn nước bị ô nhiễm ếch sẽ chết. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, đến nay 8 lồng ếch đạt trọng lượng mỗi con gần 300 g và tỷ lệ sống của ếch là trên 60%.
Dự kiến sản lượng thu hoạch là trên 800 kg. Với giá ếch thương phẩm như hiện nay là 50.000 đồng/kg, thì tổng số tiền thu được là trên 40 triệu đồng, trừ chi phí, chưa kể công lao động 2 hộ thực hiện mô hình có lãi gần 18 triệu đồng. Điều thành công của mô hình là rất nhiều hộ dân ở thôn Gò Chè rất muốn làm theo mô hình này. Ông Thanh cho biết thêm, sau khi thu hoạch lứa ếch này, gia đình ông sẽ đầu tư tiền vào sửa lại lồng và tiếp tục mua ếch về thả nuôi. Có rất nhiều hộ dân có hồ đến hỏi thăm và muốn nuôi ếch lồng như ông. Thực chất việc nuôi ếch lồng không quá khó và kinh phí đầu tư làm lồng cũng rẻ. Hơn nữa đa số các hồ của các hộ dân trên huyện Minh Long có nguồn nước chảy qua liên tục nên rất thuận tiện cho việc nuôi ếch trên hồ cá.
Nhận xét về mô hình này, anh Dương Minh Hùng - cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản Trạm khuyến nông huyện cho biết: "Khả năng tiếp thu về kỹ thuật nuôi ếch của người dân là rất cao, khi tập huấn người dân đi rất đông và hào hứng. Vật liệu làm lồng nuôi ếch thì đơn giản, người dân có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm như tre, cây và chỉ cần mua lưới về làm là có cái lồng nuôi ếch. Khả năng con ếch thích ứng trên địa bàn huyện Minh Long là rất cao".
Triển khai mô hình nuôi ếch lồng trên địa bàn huyện Minh Long là một hướng đi mới trong việc đa dạng hoá các vật nuôi nhằm giúp người dân cải thiện đời sống và cho thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này ra thì phải nhờ các cấp quan tâm và phải biết tranh thủ các nguồn vốn, tổ chức trình diễn mô hình này ở các xã khác trong huyện. Đây là mô hình mới nên người dân còn bỡ ngỡ, cũng như chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi, nên các ngành liên quan cần phải tập huấn nhiều hơn, đưa người dân tiếp cận thực tế nhiều hơn, để người dân thấy được hiệu quả kinh tế từnuôi ếch lồng. Có như vậy mới nhân rộng mô hình này ra đại trà trên địa bàn huyện.