00:00 Số lượt truy cập: 3230219

Nuôi ong trong phố 

Được đăng : 03/11/2016
“Tháng ba mùa con o­ng đi lấy mật”, những người nuôi o­ng ở TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) lại háo hức mang thùng o­ng đến vùng hoa, một số người lấy việc nuôi o­ng như một thú vui. Tuy nhiên, nghề nuôi o­ng lấy mật ở TP Yên Bái đã mang lại một nguồn thu không nhỏ...

Ông Nguyễn Xuân Thảo, 83 tuổi, cư trú tại tổ 50 phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, mùa nào cũng dậy từ 5 giờ sáng chăm sóc cho đàn o­ng mật. Mùa đông ông che chắn gió để giá lạnh không làm hại đàn o­ng, mùa mưa bão thì xem lại tấm lợp có bị gió lật không, còn mùa xuân ông dậy đổ thêm nước vào các chân tổ để lũ kiến không vào quậy phá tổ đàn o­ng, rồi vệ sinh xung quanh. Ông cho hay: Con o­ng cũng như người, chúng ở và làm mật trong môi trường sạch sẽ và yên tĩnh. Nếu có mùi lạ hay bị quấy phá là chúng bỏ đi.

Vợ chồng ông sống trong ngôi nhà bình dị cách đường vài chục mét, ẩn dưới những lùm cây lá xum xuê. Đứng dưới gốc cây sấu già tán rộng vài chục mét vuông cứ ngỡ đang ở trong rừng. Hơn 10 năm nay ông làm bạn với đàn o­ng. Ông bảo: Mới đầu tôi cũng chỉ nuôi cho vui thôi, đặt vài ba tổ dưới những gốc cây trong vườn. Sống với đàn o­ng mình quên hết những bực dọc thường ngày của xã hội. Nhìn lũ o­ng ngày ngày đi kiếm mật, chúng ríu rít khi mùa hoa đến, lặng lẽ âm thầm khi mùa đông tới. Bây giờ tôi nuôi 16 tổ, không nhiều nhưng cũng đủ việc làm cho cái tuổi của mình...


Ông Thảo kiểm tra sinh trưởng của đàn o­ng

Ông Thảo cho biết, đàn o­ng nhà ông là giống o­ng nội, tuổi ông chỉ đủ sức nuôi o­ng nội, thân hình của o­ng nội nhỏ hơn o­ng ngoại. o­ng ngoại thân hình to, thời gian làm mật nhanh, nhưng chúng đòi hỏi phải có nhiều hoa, những người nuôi o­ng ngoại thường phải di chuyển liên tục trong năm đến các vùng nhiều hoa. Mùa hạ phải đưa chúng lên vùng núi để tránh nóng, mùa đông thì di chuyển xuống đồng bằng còn mùa hoa thì họ cùng với đàn o­ng du mục khắp các nơi, ở đâu nhiều hoa là họ mang đàn o­ng tới.

Nuôi o­ng nội tuy dễ nuôi hơn o­ng ngoại, nhưng ông cũng phải am hiểu kỹ thuật nuôi, từ việc đặt hướng tổ đến xem các cầu o­ng, cầu nào ấu trùng biểu hiện có bệnh tật là phải thay, hay tạo các mũ o­ng chúa... Mặc dù chỉ nuôi cho vui tuổi già, nhưng mỗi năm ông thu được trên 300 kg mật. Ngoài cho anh em, bạn bè tính ra đàn o­ng đã cho ông nguồn thu 35 - 40 triệu đồng/năm. Ông cười: Số tiền không lớn, cũng chỉ mong góp thêm những giọt mật cho cuộc sống ngày một vui tươi hơn...

Theo ông Trương Bá Mãn, thành viên Hội Nuôi o­ng TP Yên Bái, hội có 24 hội viên, người nuôi nhiều 120 - 150 tổ; những người này mùa hoa phải mang đàn o­ng của mình đi tới các vùng hoa Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái), Chiêm Hoá, Sơn Dương (Tuyên Quang), Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang)...

Trung bình mỗi hội viên vài ba chục tổ. Số mật o­ng của Hội Nuôi o­ng TP Yên Bái mỗi năm khoảng 12 - 15 tấn, tính cả số tiền bán o­ng giống chân tầng o­ng, mũ o­ng chúa... với số tiền khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Do chất lượng mật o­ng tốt nên khách hàng ở khắp nơi đều tới Yên Bái mua, giá trung bình 200.000 đ/lít. Ông Mãn được một số người nhờ cắt mật, giống như “kỹ thuật viên” ông tư vấn kỹ thuật nuôi o­ng cho một số người.

Ông bảo tôi: Nuôi o­ng không quá vất vả như một số nghề khác, qua con o­ng mình đã tận thu được nguồn hoa, nguồn của cải vương vãi của thiên nhiên. Điều vui nhất của chúng tôi, nghề nuôi o­ng không chỉ làm cho cuộc sống vui và phong phú hơn mà còn dâng tặng cho đời những giọt mật ngọt ngào...