00:00 Số lượt truy cập: 3229792

Nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng: Hiệu quả tăng nhờ ứng dụng công nghệ mới 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng giảm gần 350 ha so với năm 2009. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nuôi trồng thủy sản và sự tích cực mở rộng vùng nuôi mới, sản lượng thủy sản nuôi trồng của thành phố vẫn tăng hơn 5% so với năm trước. Những kết quả này tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong năm 2011.


Mở rộng vùng nuôi nước ngọt

Theo ông Đào Bá Điện, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp- PTNT, năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt giảm gần 1000 ha để thực hiện các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư nhưng bù lại có 762,7 ha vùng chuyển từ diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản. Toàn bộdiện tích chuyển đổi được tập trung thành vùng sản xuất quy mô lớn. Hơn 762 ha chuyển từ diện tích cấy lúa sang nuôi thủy sản được quy thành 21 vùng sản xuất. Trong đó, tại huyện Kiến Thụy, có 6 vùng chuyển đổi với diện tích 260 ha, Tiên Lãng có 3 vùng với diện tích 200 ha, Vĩnh Bảo có 8 vùng, quận Kiến An 5 vùng, quận Đồ Sơn 4 vùng, quận Dương Kinh 1 vùng rộng 10 ha. Việc quy vùng chuyển đổi tập trung giúp Nghị quyết số 11 thực hiện cơ chế hỗ trợ chuyển vùng theo quy định của HĐND thành phố về cơ chế hỗ trợnông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn. Cùng với hỗ trợ kinh phí chuyển vùng, các huyện còn tích cực trợ giúp người dân lập dự án, xin kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo quy định của nghị quyết 10. Sau khi chuyển đổi thành công, được sự hỗ trợ kịp thời của thành phố và các địa phương, người dân mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh. Bà con chọn nuôi các giống thủy sản cho năng suất, chất lượng và thu nhập cao như cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ…đạt năng suất bình quân 12 tấn/ ha, tăng gấp 2 lần so với nuôi quảng canh. Diện tích nuôi thâm canh gần 500 ha, nuôi bán thâm canh gần 2500 ha.

Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Sơn Trường tại xã Phù Long (Cát Hải).
Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Sơn Trường tại xã Phù Long (Cát Hải).
Nuôi nước lợ công nghệ cao

Khu vực nuôi thủy sản nước lợ diện tích cũng giảm gần 700 ha do dành đất cho các dự án. Khắc phục tình trạng diện tích giảm mạnh, người nuôi thủy sản nước lợ đầu tư công nghệ mới, nuôi tôm gối vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm. Một số hộ liên kết với doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp theo hình thức gia công. Điển hình là việc mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng theo phương pháp công nghiệp. Anh Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty TNHH Khoa Thành cho biết: “Ngoài duy trì sản xuất tôm he chân trắng vụ hè thu, năm nay, công ty lập phương án dựng nhà bạt nuôi tôm qua đông cho 2 ao với tổng diện tích 7000 m2. Để có tôm he chân trắng nuôi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, đơn vị đầu tư hơn 600 triệu đồng nâng giữ nhiệt độ đầm nuôi bằng cách xây dựng nhà bạt kín gió, có mái che đủ ánh sáng để tiếp thu nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời ban ngày bổ sung nhiệt độ cho ao tôm. Đáy đầm lót bạt chống thấm HDPE”. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, năm nay, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích nuôi tôm he chân trắng 178 ha, tăng hơn 121 ha so với năm 2009. Diện tích nuôi tôm he chân trắng tập trung tại Hải An, Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và khu vực đường 14 các quận Dương Kinh, Đồ Sơn. Điều đáng ghi nhận là nhờ làm chủ được công nghệ và chủ động liên kết sản xuất với Công ty CP Group, nông dân quay vòng ao nuôi, tăng vụ sản xuất. Năm nay, diện tích nuôi tôm he chân trắng vụ đông trong nhà bạt tăng thêm gần 30 ha, sản lượng thu hoạch trong vụ đông hơn 500 tấn. 2 năm trước chỉ có vài hộ làm lẻ tẻ. Việc tăng vụ nuôi thứ 2 đối với Hải Phòng là một thành công lớn.Nhờ vậy, trên địa bàn thành phố hình thành vùng nuôi tôm he chân trắng công nghệ cao do các doanh nghiệp đầu tư. Điển hình là khu nuôi tôm Phù Long của Công ty TNHH Sơn Trường, khu nuôi tôm Đình Vũ của Công ty TNHH Thuận Thiện Phát, khu nuôi tôm he công nghệ cao trên đường 14 cũ thuộc quận Dương Kinh. Một số hộ dân còn đầu tư nuôi tôm sú thâm canh, cá bớp, cá vược, cá song, cá hồng Mỹ trong ao đất đạt thu nhập cao.

Năm của công nghệ thủy sản mới

“Năm 2011 sẽ là năm của công nghệ thủy sản mới- ông Đào Bá Điện khẳng định. Từ thành công của năm 2010, ngành sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng trong nhà bạt qua đông lên hơn 50 ha, toàn bộ diện tích này đều có sự hỗ trợ kinh phí của thành phố, từng bước đưa nuôi tôm vụ 2 có thu nhập, diện tích, sản lượng cao như vụ hè thu (vụ chính). Cùng với đó, ngành sẽ tăng cường chuyển giao công nghệ nuôi lồng biển chìm, công nghệ sinh sản nhân tạo đối với nuôi hải sản biển. Tại vùng nuôi nước lợ, thành phố sẽ nhân rộng hơn nữa các mô hình nuôi cá vược, cá song, cá hồng Mỹ, cá bớp trong ao đất; áp dụng mạnh các đề tài chuyển giao khoa học công nghệ theo hướng nuôi sạch, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thủy sản xây dựng các khu nuôi thủy sản công nghệ cao…/.