Mặc dù nghề làm muối gặp nhiều khó khăn vất vả, luôn phải "tranh mưa, cướp nắng" với thiên nhiên nhưng diêm dân HTX muối Tam Hòa, xã Hoà Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) vẫn tâm niệm "một đồng một giỏ, không bỏ nghề muối". Để giúp bà con nâng cao thu nhập, sản xuất muối đạt chất lượng, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình sản xuất muối sạch.
HTX muối Tam Hoà khá nổi tiếng trong nghề sản xuất muối xứ Thanh với 2 cánh đồng muối là Nam Tiến và Trương Xá, tổng diện tích 94,5ha. Muối Tam Hoà được trực tiếp sản xuất trên cánh đồng theo phương pháp truyền thống, không qua sơ chế, không có hóa chất; muối ăn không có vị chát, đảm bảo hàm lượng iốt trong muối cao nên được khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất muối tại đây đã xuống cấp do đồng muối được xây dựng từ những năm 1960-1970, tuyến kênh dẫn nước bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, do bà con vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng muối không theo kịp yêu cầu của thị trường.
Với mục tiêu quy hoạch, phát triển nghề muối, nâng cao chất lượng sản phẩm cho diêm dân, năm 2011, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá đã xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch. Mô hình được triển khai trên diện tích 0,5ha, với 25 hộ tham gia.
Theo đó, cán bộ khuyến nông giúp bà con quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng bằng cách đưa ô chạt lọc ra giữa ruộng phơi cát kết hợp với việc dùng ống nhựa dẫn nước muối đã được cô đặc từ vị trí chạt lọc về thùng lắng lọc sát ô kết tinh để phơi muối. Điều này không chỉ giúp diêm dân giảm công lao động mà còn tăng sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Huân, Chủ nhiệm HTX Hoà Lộc hồ hởi khoe: "Sử dụng ruộng muối theo mô hình khuyến nông, bà con được rất nhiều cái lợi, chỉ việc đứng một nơi để văng cát và khi thu gom cát để tiến hành chạt lọc cũng đỡ nhiều công sức. Thêm nữa, việc không phải sử dụng xe cút kít đã khắc phục được hiện tượng chai cứng mặt ruộng, nhờ đó tỷ lệ muối kết tinh cao hơn hẳn so với trước kia".
Đây cũng là lần đầu tiên diêm dân Hoà Lộc làm quen với ô kết tinh được trải bạt HDPE. Ban đầu, nhiều người tỏ ra khá dè dặt với công nghệ mới này, nhưng sau khi được tập huấn kỹ thuật và nhất là khi đưa vào sử dụng, ô kết tinh trải bạt HDPE đã thể hiện nhiều ưu điểm hơn so với ô nền làm bằng xi-măng truyền thống, như rút ngắn chu kỳ sản xuất do nước bốc hơi nhanh; hạt muối trắng sáng không lẫn tạp chất... nên bà con đồng tình, ủng hộ.
Ông Lê Hữu Thông, diêm dân đã có 50 năm gắn bó với nghề muối cho biết: "Mỗi khi đến vụ sản xuất muối, quá trình kết tinh thường kéo dài 10-12 giờ, hàng ngày bà con thu hoạch muối vào lúc chiều tối, đây là thời điểm trời thường có giông gió nên khó khăn, cực khổ vô cùng. Bây giờ với ô kết tinh được trải bạt, thời gian kết tinh muối đã giảm được 3-4 giờ, hạt muối to và trắng, không lẫn tạp chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
Hiện, nhiều diêm dân Hòa Lộc đang tích cực sử dụng ô kết tinh trải bạt HDPE để tăng sản lượng cũng như giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình và đạt hiệu quả bền vững, diêm dân Hòa Lộc rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Nhà nước về cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.