“Phải đi trước thiên hạ..."
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng củ cải sớm đang vào vụ thu hoạch, ông Trần Xuân Tiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Đại Phúc hồ hởi khoe: “ Đầu vụ, cứ vào buổi chiều là các bến ao kín chỗ. Cánh lái buôn từ Lạng Sơn đổ về đông lắm! Thấy bà con được mùa, mình cũng vui lây”. Hồi tưởng lại những ngày thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Tiến xúc động: “Bà con chỉ trông vào mấy sào ruộng, nếu không tìm ra lối đi giúp họ giàu lên từ những cánh đồng thì chúng tôi áy náy lắm...”. Những năm trước, nói đến Bắc Ninh, không thể không nhắc tới cây đào Đại Phúc. Đào đã trở thành cây chủ lực trong vụ đông, từng mang lại no ấm cho bà con nơi đây. Nhưng từ khi thành phố quy hoạch, đất canh tác của Đại Phúc nhường chỗ cho các khu công nghiệp, đô thị mọc lên, diện tích trồng đào cũng giảm xuống nhanh chóng. Trước tình hình đó, năm 2004 lãnh đạo phường đã xác định: không để lãng phí đất, phải khai thác hiệu quả dù chỉ là một mét vuông. Vậy là, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây màu vụ đông nhanh chóng được triển khai, thay vì trồng tỏi, cà rốt,... bà con chuyển sang trồng củ cải sớm. "Hơn thua là ở chỗ, mình đi trước thiên hạ, trồng sớm, thu hoạch sớm nên chắc chắn giá sẽ cao hơn. Sau khi tính toán kỹ, chúng tôi đã hướng dẫn bà con xuống hạt sớm hơn so với nơi khác chừng 20 ngày" - ông Tiến cho biết. Nói vậy, nhưng thời gian đầu triển khai không suôn sẻ chút nào. Phần lớn nông dân đều hoài nghi về hiệu quả của chủ trương. Để thuyết phục bà con, một số đảng viên trong xã đã tiên phong trồng thử nghiệm. Quả đúng như dự tính, bà con thấy rõ hiệu quả mới đua nhau làm theo. Giờ thì, khi nông dân các nơi bắt đầu xuống giống cũng là lúc nhiều gia đình ở Đại Phúc đến kỳ thu hoạch. Lái buôn từ khắp nơi đổ về đây. Nhiều hộ nông dân tiếc rẻ: “Biết thế này mình trồng thêm vài sào nữa...".
Lợi cả đôi đường
Người mừng nhất phải kể đến anh Nguyễn Văn Khánh ở xóm 2, một trong những người dám mạo hiểm đi trước. "Năm đầu tiên, 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) củ cải đã mang về cho tôi 15 triệu đồng (trung bình 5 triệu đồng/sào). Giống cải lai này củ to, năng suất cao và rất dễ trồng. Thời gian chăm bón chỉ khoảng 50 ngày là có thể thu hoạch... Năm nay, giá cao hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg nên gia đình tôi cũng có của ăn của để" - anh vui vẻ cho biết. Sau 3 năm, từ 1ha ban đầu, đến nay toàn phường Đại Phúc đã có 7ha trồng củ cải. Bà Nguyễn Thị Hiền ở xóm 4 vui vẻ nói: “Trước đây, trồng đào hoặc cây vụ đông khác như khoai tây, tỏi, cà rốt... thường mất nhiều thời gian và công chăm bón. Nhưng trồng củ cải sớm thì lợi cả đôi đường. Vì ngắn ngày nên sau khi thu hoạch xong củ cải, chúng tôi vẫn có thể trồng hành, su hào để bán vào dịp Tết. Thích nhất là, đất trồng củ cải luôn tơi xốp, rất thuận lợi cho cây trồng tiếp theo. Nếu biết tính toán thì 1 sào ruộng sẽ cho thu hoạch quanh năm đấy! ". Gia đình bà Hiền vụ đầu trồng 2 sào, thu hoạch đến đâu, cánh lái buôn đến tận ruộng mua đến đó. "Trước đây, tôi trồng đào nhưng thu nhập thất thường vì phải phụ thuộc thời tiết. Nhờ sự nhạy bén của các bác lãnh đạo nên chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào. Vụ này, tôi trồng thêm 2 sào nữa, thu nhập cũng tăng gấp đôi năm ngoái" - bà Hiền phấn khởi khoe.
Không còn đồng ruộng bỏ hoang, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mục đích đó của lãnh đạo phường Đại Phúc giờ đã trở thành hiện thực. Chung vui với thành quả của bà con, ông Tiến chia sẻ: “Làm nông nghiệp mà chỉ có đôi bàn tay thì chưa đủ. Phải có cái đầu nhạy bén với thời cuộc, khi ấy đất sẽ hoá thành vàng... ".