00:00 Số lượt truy cập: 2692137

Ông vua ếch và đường dây tư vấn 

Được đăng : 03/11/2016
Người dân thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn – Hà Nội) vẫn gọi ông là “vua ếch” bởi chỉ sau hơn một năm nuôi ếch (từ năm 2005) ông đã trở thành triệu phú của vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Nhưng tôi muốn viết về ông với tư cách là người “đam mê” ếch đến độ lập hẳn “đường dây tư vấn” cho những người cùng sở thích và có khát vọng làm giàu...


Mô hình độc đáo

Chúng tôi tìm về nhà “vua ếch” Lê Hồng Sơn. Ngay từ đầu làng, một chiếc ô tô 4 chỗ đã choán gần hết lối vào. Hỏi ra, chúng tôi được biết đó là xe của một khách hàng về nhờ ông Sơn tư vấn kỹ thuật nuôi ếch. Lúc chúng tôi đến, ông đang bận túi bụi với 2 đoàn khách. Khi biết ý định viết về mình, ông cười xoà: “Tớ có gì mà viết. Cũng chỉ là cái khó ló cái khôn thôi”.

Một đứa con gái bị di chứng chất độc da cam, người mẹ già gần 90 tuổi và mấy sào ruộng, đó là toàn bộ tài sản ông có sau nhiều năm ở chiến trường về. Năm 2001, ông chuyển 4.500m2 đất trồng lúa sang nuôi tôm càng xanh, kết hợp trồng bưởi Diễn và đu đủ. Tuy nhiên, hiệu quả thu được chẳng là bao. Tình cờ một lần xem tivi thấy người ta giới thiệu về mô hình nuôi ếch thịt của một đại gia ở thị xã Hà Tĩnh. Hôm sau, ông khăn gói lên đường “tầm sư học đạo” và phải giả vờ đau bụng để xin được nghỉ lại. Sau mấy ngày “đau bụng”, ông đã tìm hiểu được kỹ thuật chăm sóc, cách vệ sinh chuồng trại, thức ăn cho ếch,... Không bằng lòng với những kinh nghiệm học “mót” được, ông tìm tới Khoa Sinh (Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội) để được hướng dẫn kỹ hơn.

“Thực ra nuôi ếch không khó mà hiệu quả thu được rất cao” “-ông Sơn tiếp lời. Trang trại chẳng giống ai ở vùng đất nghèo khó này được ông áp dụng mô hình trên ếch dưới cá rô phio, nhằm tận dụng thức ăn thừa của ếch cho cá. ếch được chăm sóc chu đáo và cẩn thận. Mùa đông có nhà cho ếch trú, mùa hè mặt nước luôn có bóng râm. Ngoài ra, ông còn cho đào giếng ở giữa vườn để đảm bảo đủ nước thay định kỳ. “ếch dễ tính, việc chăm sóc không quá cầu kỳ nhưng nếu chủ quan là có thể trắng tay. Người nuôi phải luôn thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Những loại bệnh mà ếch thường gặp là mù mắt, nấm chân, vẹo cột sống,... nguyên nhân đều do môi trường sống quá bẩn. Vì vậy, cứ nửa tháng phải thay nước một lần theo tỷ lệ 1/3 nước cũ + 2/3 nước mới và rắc thuốc, muối ăn xuống để khử độc tiêu trùng cho lồng. Thức ăn khoái khẩu của ếch là cua, châu chấu, trùn (giun) quế,... tươi sống và cám dạng viên nổi. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên tỷ lệ ếch ốm, chết rất thấp, trọng lượng các con tương đối đều nhau, khoảng 2-3 con/kg. “Mỗi năm tôi thu được khoảng 7 tấn ếch, bán với giá 30.000 đồng /kg, cầm chắc trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập từ cá rô phi và các sản phẩm “phụ gia” khác. Năm nay tôi sản xuất khoảng 35 vạn ếch giống và 7, 5 tấn ếch thương phẩm” - ông Sơn khoe.

ông cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Hà Nam. Với phương châm cùng giúp nhau làm giàu, ông Sơn huy động anh em, bạn bè trong xã cải tạo ao đầm nuôi ếch. ông trực tiếp cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có 12 hộ trong huyện được ông cấp 18.000 con ếch giống với hình thức cho trả chậm 50%, 8 hộ nuôi đến khi bán ếch mới trả tiền.

“Đường dây tư vấn” nuôi ếch

Để tiện việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những nông dân trên mọi miền đất nước, ông lập hẳn “đường dây tư vấn” miễn phí về nghề nuôi ếch. Đường dây này không chỉ bằng điện thoại, thư từ mà có khi ông đến nhà để truyền đạt kinh nghiệm. Từ sáng sớm đến tối mịt, điện thoại của gia đình luôn trong tình trạng quá tải. Có những lúc ông tư vấn quên cả ăn cơm. ông nhớ lại: “Có một lần, trời đã khuya lắm rồi, điện thoại nhà tôi bỗng dưng đổ dồn. Nhấc máy, hoá ra một bác nông dân ở Yên Bái gọi điện nhờ tôi “khám” bệnh cho ếch. Tôi bảo bác ấy kể triệu chứng bệnh rồi hướng dẫn cách dùng thuốc. Vài hôm sau bác ấy gọi điện cảm ơn vì đàn ếch đã khỏi hoàn toàn. Những lúc ấy tôi thấy vui lắm”. Cứ như vậy, bất kể thân hay sơ, gần hay xa, ông đều hướng dẫn nhiệt tình. Có khách mời đến tư vấn là ông đi, khi lên Yên Bái, lúc ra Hải Phòng, vào Thanh Hoá,... “Đừng tưởng tớ đi tư vấn là không có “lãi” nhé! Thu được nhiều “vốn liếng” lắm đấy. Đó chính là kinh nghiệm, bài học của họ giúp tớ tìm ra hướng đi cho mình” - ông nói. Nhờ “đường dây” tư vấn ấy đã có nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trước khi chia tay, ông Sơn nói với chúng tôi như một lời hứa: “Tôi đang liên kết với Hội Làm vườn xã để xây dựng Bắc Phú trở thành trung tâm thuỷ đặc sản sạch, chất lượng cao. Còn ai muốn tư vấn, xin cứ gọi 04.5951465”.