00:00 Số lượt truy cập: 3234433

Phá Tam Giang cạn kiệt nguồn thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vùng đất ngập nước lớn nhất Đông Nam Á, với nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú, góp phần nuôi sống hàng chục ngàn hộ dân từ bao đời nay. Mặc dù vậy, những năm gần đây nguồn lợi của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang suy giảm rõ rệt.


Cạn kiệt cá tôm

Từ bao đời nay, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gắn bó với cuộc sống của một bộ phận lớn các cư dân sinh sống trên sông nước.

Hiện có khoảng 300.000 cư dân sinh sống ở xung quanh vùng đầm phá, đời sống của các hộ dân này gắn liền với việc khai thác trực tiếp nguồn tài nguyên trong đầm phá. Vậy nhưng hiện nay nguồn tôm, cua, cá… ở đây đang cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Đây cũng là hậu quả của việc đánh bắt, khai thác ồ ạt, thiếu quy hoạch suốt một thời gian dài. Hơn nữa, việc không ít người dân sử dụng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt như xung điện, giã cào... làm mất đi khả năng tái tạo và phục hồi môi sinh của hệ đầm phá.

Ông La Nghĩa, một ngư dân ở Quảng Điền, cho hay: “Tui làm nghề đánh bắt trên phá đã hơn hai chục năm nay. Trước đây cá, tôm vô kể, ngư dân sông thoải mái, còn bây giờ đã cạn kiệt, đánh cả ngày chẳng đủ mua gạo...”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, sản lượng khai thác vùng đầm phá Tam Giang trước đây là 4.500 tấn/năm. Đến nay sản lượng đã giảm hơn một nửa, chỉ còn chưa đầy 2.000 tấn/năm.

Hiện một số loài cá, tôm, cua đặc thù và cho giá trị kinh tế cao như cá que hương, cá vuợc, cá me, cá liệt, tôm bạc... ngày một ít đi, một số loài hầu như không còn xuất hiện. Anh Nguyễn Lộc, ở thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi cho hay: “Nhiều người dân trong làng trước đây vốn làm nghề đánh bắt nay đã chuyển sang nghề khác, thanh niên nam, nữ lớn lên tìm vào Nam học nghề kiếm sống”.

Khai thác quá mức

Nò sáo là phương thức đánh bắt chính của người dân ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tuy nhiên, việc phát triển nò sáo tự phát, dày đặc, thiếu quy hoạch đã dẫn đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản trên đầm phá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành sắp xếp lại nò sáo, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên ở đây. Theo đó, khoảng 40% hộ ngư dân làm nghề nò sáo được hỗ trợ chuyển sang hình thức đánh bắt khác.

Tuy nhiên, khi việc sắp xếp lại nò sáo trên đầm phá chưa hoàn tất thì nghề đánh bắt thủy sản bằng lừ xếp lại phát triển một cách đáng lo ngại. Theo thống kê của ngành thủy sản Thừa Thiên - Huế, năm 2005, khi lừ xếp mới du nhập từ Trung Quốc về chỉ có 30 hộ tham gia khai thác với 100 chiếc lừ.

Đến cuối năm 2008 đã có 2.399 hộ tham gia khai thác thủy sản bằng lừ xếp, với 133.988 tay lừ xếp và vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Việc ngư dân dùng lừ xếp đánh bắt cá, tôm thay thế các ngư cụ khác ngày một ồ ạt, thậm chí nhiều người còn dùng mắt lưới nhỏ từ 0,8-1,2cm để làm lừ khiến nguồn lợi thủy sản vốn đã suy giảm ngày càng bị cạn kiệt hơn.

Đầu tháng 4-2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở NN-PTNT cùng các huyện kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng lừ đánh bắt trên vùng đầm phá. Trước mắt, UBND tỉnh nghiêm cấm phát triển, gia tăng về số lượng lừ xếp khai thác trên vùng đầm phá. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng lừ xếp có kích thước mắt lưới nhỏ hơn mắt lưới (2a) 18mm...

Nhằm cứu nguy cho hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, mới đây Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Ý cũng đã ký biên bản hợp tác hỗ trợ 1 triệu USD cho việc quản lý tổng hợp đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giai đoạn 2009-2010. Mục tiêu là nhằm giảm áp lực đánh bắt cá con, thử nghiệm các mô hình nuôi trồng thủy sản... Cụ thể, từ nay đến hết năm 2010 sẽ giảm 40% số lượng phương tiện, 25% thời lượng đánh bắt và 25% cá thể nhỏ trong các mẻ đánh bắt trong hệ đầm phá này.