Những năm 90, vải thiều chính là cây vàng quả ngọc ở Thanh Hà, thậm chí nó làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện cho tới năm 1998. Nhưng khi cả huyện có tới 5.500ha vải thì mọi chuyện thay đổi. Mấy năm được mùa, sản lượng cao, tiêu thụ thụ động trông vào thương lái, vải mất giá, thậm chí như năm ngoái xuống còn 2.000đ/kg, nên nhiều người đã chặt vải để chuyển đổi cơ cấu.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Phó phòng NN&PTNT huyện Thanh Hà cho biết, trồng vải để làm giàu giờ chỉ còn 6 xã khu Hà Đông là Hợp Đức, Thanh Bính, Trường Thành, Thanh Hồng, Thanh Cường và Vĩnh Lập. Các xã này trồng vải U hồng sớm, loại vải thu hoạch trước vải thiều cả tháng trời và mỗi kg được giá tới 12-18 nghìn đồng/kg. Vấn đề là giống vải U hồng sớm này chỉ phù hợp với thổ nhưỡng của 6 xã trên.
Chị Nguyễn Thị Huệ - chuyên viên phòng NN&PTNT nói: Nhận thức rõ vải trái vụ bán được giá, huyện cũng đã mời nhiều cơ quan nghiên cứu như Viện Khoa học Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên về nghiên cứu. Nhưng tới nay chưa nghiên cứu nào thành công.
Trong khi huyện loay hoay thì nông dân không chờ. Họ trồng tự phát cả ổi lẫn quất. Xã Liên Mạc chuyển cả trăm ha vải sang trồng ổi to ngon mà có quả nặng tới nửa cân. Cẩm Chế cũng chuyển 280ha đất hiệu quả kinh tế thấp, độc canh vải thiều sang trồng các loại cây khác có giá trị cao, trong đó có hơn 70 ha đất chuyển sang trồng quất thương phẩm trái vụ, cho doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm.
Năm nay vải được giá, anh Phạm Văn Trung - cán bộ nông nghiệp huyện dự đoán: "Không khéo mọi người lại trồng vải trở lại chưa biết chừng". Còn ông Đỉnh cho hay: "Chúng tôi vẫn trong tình trạng không dám khuyến cáo bà con trồng cây gì nữa. Bài học vải thì vẫn đấy. Nếu tất cả bỏ vải chuyển sang trồng quất hay ổi thì e cũng không bán được".