Phát tài nhờ... chuyên canh dưa
Được đăng : 03/11/2016
Phải mất gần 20 năm vật lộn với mảnh ruộng khoán, những nông dân ở Tứ Kỳ (Hải Dương) mới tìm ra được phương thức chuyên canh dưa thay vì thâm canh “2 lúa, 1 màu” trước đó. Cách làm của họ tuy còn mang tính tự phát song vẫn hình thành 4 vùng chuyên canh dưa cho giá trị kinh tế cao.
Lựa chọn mạo hiểm
Huyện Tứ Kỳ hiện có 4 vùng chuyên canh dưa với tổng diện tích 207ha, thuộc các xã Nguyên Giáp, Văn Tố, Ngọc Kỳ và Hưng Đạo. Khi được giao đất ổn định lâu dài, năm 1993, nông dân các xã này tích cực khai thác những vùng đất pha cát để thâm canh 2 vụ lúa và 1 vụ đông, giá trị sản xuất đạt 70 triệu đồng/ha/năm. Không bằng lòng với kết quả này, một số hộ đã bỏ cây lúa và chuyển hẳn sang trồng màu. Ban đầu, họ trồng lạc, ngô, đậu, bí đỏ, bí xanh, dưa và rau thực phẩm, nâng giá trị sản xuất lên gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Khi lần mò tìm thị trường tiêu thụ, bà nhận thấy trong khoảng thời gian làm 2 vụ lúa thì dưa hấu, dưa leo, dưa lê, dưa bở, dưa hồng... luôn bán được giá cao và không đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường. Vậy là một số hộ quyết định mạo hiểm chọn cây dưa để thâm canh quanh năm.
Anh Phùng Văn Phú ở thôn An Quý (xã Nguyên Giáp) kể: “Khi được giao đất lâu dài, chúng tôi chỉ làm 2 vụ/năm theo mô hình 1 lúa, 1 màu hoặc 2 lúa, 1 màu; 1 lúa, 2 màu. Lúc đó, đường 391 về huyện chưa được nâng cấp, giao thông còn khó khăn nên sản phẩm làm ra phải chất lên xe thồ mang đi bán lẻ. Từ khi có đường tốt, khách đem ô tô về tận nơi gom hàng, chúng tôi liền mở rộng diện tích trồng rau màu. Một số hộ trong thôn thấy dưa trồng được quanh năm, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, lại được giá nên chuyển hẳn sang chuyên canh dưa và giàu lên nhanh chóng”.
Thực tế là việc chuyên canh dưa không dễ vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, còn người trồng thì phụ thuộc vào thị trường, kinh nghiệm, nhất là làm thế nào chọn được thời điểm gieo trồng phù hợp. Anh Phạm Văn Học, nông dân trồng dưa ở thôn ô Mễ (xã Hưng Đạo) chia sẻ: “Trồng dưa mà chọn được đất cát pha, không bị ngập úng khi mưa lớn và tiêu thoát được nước thì coi như thắng lợi một nửa. Nói là trồng dưa quanh năm nhưng giữa 2 vụ trồng phải có ít nhất 10 ngày phơi ruộng. Tốt nhất là trồng xen 2 vụ rau vào các vụ trồng dưa để ngăn chặn dưa bị héo xanh, nhiễm bệnh”.
Bên cạnh việc bón phân, điều tiết nước tưới tiêu hợp lý, phòng trừ sâu bệnh, người trồng dưa phải thường xuyên quan sát cây để thực hiện tỉa chèo, tuyển trái. Thông thường, mỗi nhánh dưa chỉ để lại 1 - 2 quả, còn lại phải ngắt bỏ để dưa đẹp và cho năng suất cao.
Cần quy hoạch hợp lý
Xã Hưng Đạo có 400ha đất lúa thì có tới 120ha trồng dưa chuyên canh. Dưa sản xuất đến đâuX, thương lái đem ô tô về gom đi tiêu thụ hết đến đó. Anh Phạm Văn Lý, một nông dân trong xã cho biết: “Vụ này, cả vùng chủ yếu trồng dưa hấu hè, chỉ có khoảng 10ha trồng dưa lê, dưa bở, dưa hồng. Gia đình tôi có 6 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2) thì có 3 sào trồng dưa quanh năm, thu được 400 - 420 quả/sào, với giá bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 3 triệu đồng/sào, tương đương 80 triệu đồng/ha/vụ”.
Việc trồng dưa chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao đã khiến bà con vô cùng phấn khởi, song nếu không quy hoạch tốt, để xảy ra việc “nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa” thì hậu quả sẽ khó lường. Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, Phó chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, cách đây 5 năm, toàn huyện chỉ có 37-38 hộ chuyên trồng dưa, diện tích khoảng 7-8ha nhưng nay đã có tới 4 vùng chuyên canh dưa. Hiện huyện đang cân nhắc các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng phát triển quá nhiều vùng chuyên canh dưa, dẫn đến “cung vượt cầu”.
Thiết nghĩ, việc xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng nhằm hướng tới sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường là cần thiết. Song nếu chính quyền bỏ quên quy hoạch, mặc cho nông dân sản xuất tự phát thì sớm muộn, điệp khúc “được mùa, mất giá” sẽ xảy ra.