00:00 Số lượt truy cập: 3229539

Phát triển bò lai: Hướng đi mới cho ngành chăn nuôi 

Được đăng : 03/11/2016
Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò...

Thực hiện dự án phát triển bò lai Zêbu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2010 - 2012, hơn một năm qua, ngành nông nghiệp huyện Krông Bông - một huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, đã triển khai nhiều biện pháp giúp người chăn nuôi như tuyên truyền, tập huấn, tham quan mô hình và hỗ trợ kinh phí. Kết quả bước đầu đã có 70 con bê lai ra đời, sinh trưởng và phát triển tốt, thể hiện rõ các đặc điểm của giống bò Zêbu, góp phần cải tạo chất lượng đàn bò tại địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.

Đàn bò của huyện Krông Bông có trên 23.000 con, hiện tượng bò đồng huyết chiếm khoảng 30% nên chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp.

Đàn bò của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có trên 23.000 con, hiện tượng bò đồng huyết chiếm khoảng 30% nên chất lượng kém, còi cọc, hiệu quả kinh tế thấp. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp huyện đã có phương án phát triển bò lai Zêbu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khó khăn lớn nhất là làm sao để có được sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân bởi bà con vốn chỉ quen với việc cho bò phối giống từ nguồn giống sẵn có tại địa phương.

Thế nên khi nghe cán bộ khuyến nông của huyện, của xã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò thì ai cũng băn khoăn, do dự, không biết là thụ tinh nhân tạo thì bò cái có bệnh tật không? bê lai có dễ chăm sóc không và bán thì có ai mua không? Những lo lắng đó đã phần nào được giải toả sau khi bà con được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ khuyến nông tuyên truyền bằng hình ảnh và tổ chức cho bà con tham quan một số mô hình đã thực hiện thành công phương pháp này.

Ông Lê Văn Nhép, nông dân ở thôn 6, xã Hoà Sơn, huyện Krông Bông kể: Hai con bò nhà ông đều được thụ tinh nhân tạo và đã đẻ được 2 con bê lai, 1 đực, 1 cái. Chúng đều khoẻ mạnh và có tầm vóc cao lớn, khác hẳn với giống bò cỏ tại địa phương. Việc nuôi bê lai cũng không phức tạp như suy nghĩ ban đầu. Ông Nhép cho biết: Việc phối bò thụ tinh nhân tạo thực ra lúc trước bản thân tôi cũng có do dự. Vì cũng có nguồn tin nói là khi phối bị hư bò cái. Sau đó, được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện Krông Bông thì chúng tôi mạnh dạn phối bò, ra hiệu quả con rất đẹp mà giá thành thì tuyệt vời. Tôi chỉ đơn cử như nhà tôi, mình nuôi con bò cả năm bán được có 2 - 3 triệu/con, nhưng sau khi phối giống thì bán được 6 - 7 triệu đồng. “Tôi cũng có vận động một số bà con, đôi khi bà con ta cứ quan niệm nhà có sẵn thì dùng chứ không phải mất tiền, từ chỗ đó chúng tôi phân tích rồi nhờ trạm khuyến nông huyện hỗ trợ thì bà con làm theo nhiều, như ở khu vực chúng tôi là gần 90% phối bò lai này” – ông Nhép cho biết.

Là một huyện vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chính vì thế huyện Krông Bông có chính sách hỗ trợ 2/3 số tiền công cho mỗi lần phối giống bò. Ngoài ra, sau khi xác định bò đã thụ thai và đẻ ra bê lai thì người dân được hỗ trợ thêm các vật tư thiết yếu trong quá trình chăm sóc, như: thức ăn bổ sung, thuốc bổ, vitamin, thuốc phòng trị ký sinh trùng. Ông Nguyễn Văn Phước, kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo cho bò ở thôn 1, xã Hoà Sơn cho biết: “Trước đây, tôi phối tinh cho một con bò là 150.000 đồng nhưng đối với dân huyện Krông Bông còn nghèo nên cũng khó khăn thật. Từ năm 2010 có dự án mỗi con bò phối thì được hỗ trợ 100.000 đồng còn người nông dân chỉ trả 50.000 đồng nên dân rất đồng tình, bản thân tôi cũng rất phấn khởi, cho ra thế hệ bê lai đạt kết quả. Mừng là vì giá trị kinh tế con bê lai đối với con bê cỏ gấp đôi”.

Sau một năm triển khai, 240 con bò đã được thụ tinh nhân tạo, tập trung ở các xã Hoà Sơn, Hoà Lễ và thị trấn Krông Kmar, đến nay đã có 70 con bê lai ra đời. Cán bộ khuyến nông của huyện, của xã rất chú trọng công tác kiểm tra định kỳ, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con.

Ông Bùi Chí Vinh, Phó trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Krông Bông nói: “Sau khi các anh kỹ thuật viên đi phối bò về, có danh sách báo với chúng tôi thì định kỳ một quý chúng tôi đi kiểm tra một lần bởi vì thực tế sau khi phối xong khoảng 3 tháng thì mới xác định được là có thai hay không. Trong quá trình kiểm tra thì chúng tôi cố gắng giải đáp thắc mắc cho bà con, hướng dẫn bà con thực hành đúng theo nguyên tắc trước và sau khi phối bò thì phải nhốt con bò ở nhà từ một đến hai ngày để tránh những con bò đực của địa phương giao phối sau đó thì không sinh ra bò lai. Cái thứ hai là trong quá trình mang thai, con bê lai to hay nhỏ thì phụ thuộc vào chế độ chăm sóc bò mẹ. Hầu hết đến nay số bê lai ra đời thì không có sự cố nào xảy ra, đều thể hiện rõ ưu thế lai như ngoại hình đẹp, có u, có yếm, có dậu, thể hiện rõ biểu hiện của giống bò Zêbu này”.

Năm nay ngành nông nghiệp huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch thụ tinh nhân tạo giống bò lai Zêbu cho 300 đến 400 con bò ở địa phương. Trong đó chú trọng tuyên truyền và mở rộng địa bàn phối giống đối với đàn bò ở các xã vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Kết thúc dự án vào cuối năm 2012, huyện Krông Bông dự kiến sẽ có 1.000 con bê lai. Sự thành công này sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương, vừa cải thiện chất lượng đàn bò vừa nâng cao thu nhập cho người dân.