Từ năm 2005, Nga An là một trong những đơn vị đi đầu của huyện Nga Sơn về triển khai mô hình lúa + cá + tôm. Đến nay, mô hình vẫn mang lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định.
Gần đây, từ cuối năm 2008, xã đã phối hợp cùng Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh chuyển giao ứng dụng mô hình nuôi cá lóc đầu nhím ở gia đình anh Mai Văn Hiểu, thôn 1. Bước đầu thực hiện mô hình, gia đình anh Hiểu đã mạnh dạn nuôi 8.000 con cá lóc đầu nhím trên diện tích 0,2 ha. Nhờ chăn nuôi thâm canh đúng theo quy trình kỹ thuật, chủ động con giống và nguồn thức ăn nên mô hình mới đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình anh, đồng thời mở ra hướng chuyển đổi sản xuất có hiệu quả đối với những diện tích nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt kém hiệu quả.
Cùng với những mô hình trên, Nga An được đánh giá cao trong việc duy trì phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia trại. Bình quân hàng năm toàn xã có khoảng từ 25.000 đến 26.000 con lợn và khoảng 35.000 con gia cầm các loại. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại và gia trại, trong những năm qua, xã đã tích cực triển khai Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi và xây dựng đề án riêng về phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tập trung. Trong đề án đã đề ra những cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cụ thể là: Ưu tiên không thu sản đối với các hộ có nhu cầu phát triển trang trại mượn đất, thuê đất trong năm đầu tiên và chỉ thu 50% sản từ năm thứ 2. Đồng thời hỗ trợ 200.000 đồng/lợn nái ngoại cho các hộ chăn nuôi, nhằm giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn giống, nâng cao chất lượng đàn lợn. Đối với việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế khác như cá + lúa, chăn nuôi tổng hợp... xã sẽ hỗ trợ 200.000 đồng/sào chuyển đổi. Ngoài ra, công tác tiêm phòng, thú y cũng được quan tâm, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm của xã đạt trên 70%; cơ bản trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Những chính sách trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, góp phần đưa kinh tế trang trại, gia trại của xã phát triển, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Do điều kiện khu dân cư nằm đan xen với đất nông nghiệp nên quỹ đất quy hoạch vùng phát triển trang trại tập trung khó khăn, từ đó xã xác định trọng tâm phát triển gia trại theo hướng thân thiện với môi trường. Tính đến nay, toàn xã có 42 gia trại có quy mô chăn nuôi trên 100 lợn thịt trở lên; 18 hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 150 con trở lên. Điển hình có hộ gia đình anh Phạm Văn Hoàng ở xóm 3, chăn nuôi trên 1.000 con vịt đẻ và vịt thương phẩm. Tính bình quân, thu nhập của các gia trại đạt từ 28 đến 42 triệu đồng/ha/năm.
Đến thăm gia trại của gia đình anh Hà Thịnh Hưng, 38 tuổi, ở xóm 4 vừa thời điểm gia đình anh xuất bán 2 tấn lợn. Trong niềm vui đầu năm, anh Hưng tâm sự: Từ nguồn vốn vay ngân hàng và người thân, ban đầu tôi đầu tư máy xay xát để làm kinh tế. Từ chỗ tận dụng nguồn cám để nuôi lợn, đến nay gia đình tôi đã chăn nuôi hơn 100 lợn hướng nạc ở 2 khu gia trại. Mỗi tháng gia đình tôi xuất bán khoảng 2 tấn lợn, lợi nhuận thu được khá cao. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi được cán bộ thú y xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề chất thải chăn nuôi, gia đình tôi đã làm hệ thống bình bioga vừa tránh được ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm được chất đốt. Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, gia đình anh Hưng không chỉ ổn định kinh tế gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 1 lao động bị tật nguyền với mức lương bình quân 900.000 đồng/tháng.
Trên cơ sở xác định việc chăn nuôi gia trại vẫn là chăn nuôi truyền thống, mang tính chất tận dụng trong nông nghiệp, từ năm 2008, xã Nga An còn quy hoạch 10 ha ở xóm Hào và xóm 10 để phát triển 2 khu trang trại chăn nuôi tập trung. Khu trang trại được quy hoạch ở khu vực đất dưới chân núi, cách xa khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm môi trường và tận dụng núi để chăn nuôi dê. Đến nay, các trang trại đang trong quá trình xây dựng, chuẩn bị đi vào hoạt động, hứa hẹn mở ra hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn.
Khó khăn nhất trong vấn đề phát triển kinh tế gia trại, trang trại của xã là việc bảo đảm môi trường sống, môi trường sinh hoạt. Các gia trại hầu hết nằm trong khu dân cư, trong khi việc đầu tư xây dựng hầm bioga ở các hộ gia đình còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường không được giải quyết triệt để. Các hộ dân muốn vay vốn phát triển chăn nuôi quy mô lớn, nhưng nguồn vốn vay còn hạn chế và thời gian vay ngắn, chưa phù hợp với ngành chăn nuôi vốn chịu nhiều rủi ro. Nguyện vọng trước tiên của chính quyền địa phương và các chủ gia trại, trang trại là được các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ làm hầm bioga. Nguyện vọng này cũng là hợp lý trong điều kiện chăn nuôi gia trại vẫn nắm vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của một bộ phận lớn nông dân trong xã.