00:00 Số lượt truy cập: 3234142

Phát triển chăn nuôi giống lợn thuần Móng Cái ở xã Vạn Ninh 

Được đăng : 03/11/2016
Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi đến thăm trại nuôi lợn nái thuần Móng Cái của gia đình anh Bùi Văn Xạ ở thôn Bắc, xã Vạn Ninh (Móng Cái).

Những năm 2004 trở về trước, gia đình anh Xạ là một trong những hộ khó khăn của xã. Trải qua làm rất nhiều nghề khác nhau nhưng phải đến năm 2005, khi được sự quan tâm của địa phương và Trung tâm Khuyến nông thị xã giới thiệu, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái thuần Móng Cái vào địa bàn xã, gia đình anh mới có “duyên” trong việc phát triển kinh tế.

Anh Xạ tâm sự: “Sau khi được phổ biến về mô hình chăn nuôi giống lợn thuần Móng Cái, gia đình tôi được xã cấp cho trên 2.000m2 đất. Trên cơ sở đó tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng chuồng trại và tổ chức chăn nuôi theo mô hình khép kín. Lúc đầu vốn ít, gia đình đầu tư mô hình nuôi lợn với quy mô nhỏ. Lãi năm trước dù ít hay nhiều đều được bổ sung vào vốn đầu tư cho năm sau. Sau 3 năm đầu tư, gia đình đã gây dựng được một trại lợn với 10 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt, trừ chi phí mỗi năm bình quân cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng”.

Từ hiệu quả chăn nuôi của gia đình anh Xạ, đến nay xã Vạn Ninh đã nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái thuần Móng Cái cho trên 20 hộ gia đình tại địa bàn thôn Bắc, thôn Đông và thôn Nam, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực với gần 500 con lợn nái và khoảng 6.000 con lợn thịt. Giống lợn nái thuần Móng Cái có đặc điểm dễ nuôi, ít bệnh, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, hơn nữa lợn thịt thành phẩm thơm ngon. Lợn nái đẻ nhiều, chu kỳ sinh sản 2 năm 5 lứa. Hiện giá bán ra thị trường là 150 nghìn đồng/kg lợn giống; lợn thịt giá từ 27-30 nghìn/kg. Xã Vạn Ninh đã tập hợp những người chăn nuôi lợn thành CLB, nhằm liên kết, hỗ trợ nhau về con giống, vốn và kỹ thuật chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mục tiêu của xã là phát triển đàn lợn lên tới 1 vạn con mỗi năm, do vậy xã đang tập trung khuyến khích các hộ chăn nuôi bằng nhiều hình thức như: Tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng chuồng trại, hỗ trợ giống, tín chấp, uỷ nhiệm cho các hộ được vay các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật chăn nuôi… Cho đến nay, xã đã thực hiện liên kết với các ngân hàng và các tổ chức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi vay với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Đồng thời xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và một số doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ và tìm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Với những đặc tính ưu việt của lợn nái Móng Cái, dự kiến trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục phát triển đàn lợn thành một thế mạnh chủ lực của địa phương và từng bước xây dựng thương hiệu cho lợn nái Móng Cái…”.

Từ thực tế chăn nuôi lợn cho thấy, xã Vạn Ninh có rất nhiều điều kiện để phát triển đàn lợn trong những năm tới. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm tới những điều kiện riêng để thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Thực hiện việc dồn điền đổi thửa, chuyển một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư. Tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại, chăm sóc; chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh và nhất là liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến… Đây chính là những giải pháp cơ bản để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa và là một mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.