00:00 Số lượt truy cập: 2672858

Phát triển chăn nuôi thuỷ cầm bền vững ở Hải Thọ (Hải Lăng - Quảng Trị) 

Được đăng : 03/11/2016
Hải Thọ là xã thuộc vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ngoài thâm canh cây lúa nước với diện tích khá lớn thì chăn nuôi vịt đàn cũng rất phát triển do lợi thế có nhiều ao, hồ, kênh mương. Hiện nay, toàn xã có 35 hộ chăn nuôi vịt đàn với quy mô 100 con/hộ, 20 hộ nuôi với quy mô 300 con/hộ, tổng đàn vịt toàn xã mỗi năm lên đến 100.000 con.

Trước đây, nông dân Hải Thọ chăn nuôi theo hướng tự phát, chưa chú trọng đến con giống, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt là cúm gia cầm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi của người dân.

Để giúp người chăn nuôi vịt đàn phát triển bền vững, tạo ra vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Trạm thú y huyện Hải Lăng phối hợp với UBND xã Hải Thọ hướng dẫn tập huấn giúp các hộ chăn nuôi thực hiện quy trình an toàn dịch bệnh, bằng cách hàng năm ký cam kết việc chăn nuôi của các hộ gia đình nhằm quản lý chặt chẽ số lượng thủy cầm đưa vào nuôi, đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng tập trung để dễ kiểm tra giám sát, theo định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin, tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Với biện pháp như trên, UBND xã đã quản lý chặt chẽ tổng đàn đưa vào nuôi, hạn chế được dịch bệnh phát sinh và lây lan. Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình chăn nuôi vịt ở Hải Thọ đã có bước phát triển ổn định, không để dịch bệnh xảy ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, được sự hỗ trợ của dự án Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch triển khai ở 3 huyện và 12 xã, trong đó có xã Hải Thọ, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cho các hộ chăn nuôi như tổ chức đêm văn nghệ truyền thông phòng chống cúm gia cầm có gần 1.000 lượt người tham gia, tổ chức các hoạt động nhóm nhỏ, tham quan mô hình chăn nuôi thuỷ cầm an toàn dịch bệnh...

Thông qua các hoạt động trên đã giúp cho người chăn nuôi nắm bắt các thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm và đưa ra các biện pháp phòng chống có hiệu quả, trong đó ưu tiên cho công tác phòng là chính. Người dân đã hiểu rõ những việc làm cần thiết như chỉ mua, bán gia cầm khỏe; báo cáo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm bệnh và chết bất thường, báo cáo ngay cho cán bộ y tế và chính quyền địa phương khi thấy người ho, sốt bất thường...

Anh Nguyễn Văn Dũng là thành viên tích cực của nhóm chăn nuôi thuỷ cầm của xã Hải Thọ cho biết: “Trước đây chăn nuôi theo hướng tự phát, chưa nhận thức được tình hình nguy hại của dịch bệnh, công tác phòng chống còn hạn chế, nên dịch cúm gia cầm xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn đến tình hình kinh tế gia đình. Bây giờ gia đình tôi và các thành viên trong nhóm chăn nuôi thuỷ cầm đã xác định công tác phòng rất quan trọng, bởi vì gia sản đầu tư hàng trăm triệu đồng, nếu lơ là trong công tác phòng chống dịch thì khi dịch bệnh xảy ra coi như trắng tay”.

Các hộ gia đình ở đây đã chấp hành rất tốt các quy định của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Vịt giống khi đưa vào nuôi có nguồn gốc rõ ràng, tiến hành tiêm phòng định kỳ, vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên.

Trong hội nghị tổng kết công tác truyền thông phòng chống cúm gia cầm và đại dịch do dự án và Hội LHPN tỉnh tổ chức, anh Nguyễn Văn Dũng là một trong những hộ nông dân được tuyên dương và nhận giấy khen của Hội LHPN tỉnh. Từ nghề chăn nuôi vịt, nhiều hộ nông dân ở Hải Thọ đã thoát nghèo vươn lên làm ăn khá giả, nhiều hộ có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm, có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Nhờ làm tốt công tác phòng chống, nhiều năm qua tuy là xã có số lượng chăn nuôi vịt khá lớn, nhưng dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn xã Hải Thọ đã giúp cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư vào sản xuất, phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương và tăng trưởng kinh tế cho nhiều hộ gia đình.