00:00 Số lượt truy cập: 3234861

Phát triển kinh tế trang trại ở vùng chiêm trũng Lộc Sơn 

Được đăng : 03/11/2016

Lộc Sơn là xã vùng chiêm trũng của huyện Hậu Lộc, có thế mạnh phát triển mô hình cá + lúa và đã có những thành công bước đầu trong việc xây dựng nông thôn mới.


Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Lộc Sơn đã tập trung lãnh đạo nhân dân địa phương phát huy lợi thế, đẩy mạnh xây dựng các mô hình trang trại kiểu mới, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình.

Trong quá trình đi lên, nhiều mô hình trang trại tổng hợp của các hộ ở Lộc Sơn đã được mở rộng theo hướng cá + lúa + chăn nuôi kết hợp. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trương Văn Tiêu ở thôn 6 vào đúng dịp gia đình vừa xuất chuồng 25 con lợn thương phẩm. Vợ chồng ông Tiêu vui vẻ đón tiếp và kể rằng, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích chiêm trũng trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, năm 2005 gia đình ông đã mạnh dạn đổi diện tích đất nông nghiệp từ các cánh đồng về cánh đồng chiêm để phát triển chăn nuôi, theo hướng thâm canh bền vững kết hợp chăn nuôi vịt đẻ và lợn thịt. Với diện tích 4,1ha được giao, gia đình ông đã đầu tư 47 triệu đồng vốn ban đầu để xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá. Sau đó, gia đình ông tiếp tục đầu tư mua cá giống, lợn giống, vịt về chăn thả. Để nâng cao năng suất, gia đình ông đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi cá thương phẩm. Cá rô phi đơn tính được nuôi xen ghép với các loại cá truyền thống theo tỷ lệ 45% và 55%. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cho ăn và chăm sóc nên đến cuối năm 2006 ông Tiêu thu được 2,5 tấn cá thịt, giá trị gần 40 triệu đồng.

Đồng thời, ông Tiêu còn nuôi 1.500 con vịt đẻ, 150 con gà và 4 lò ấp trứng vịt... Riêng lợn thương phẩm gia đình ông xuất chuồng 4 lứa/năm, mỗi lứa 25 con, trừ vốn và chi phí gia đình thu lãi 27 triệu đồng. Từ mô hình trang trại tổng hợp ao - chuồng, mỗi năm gia đình ông Tiêu thu lãi 150 triệu đồng.

Không riêng gia đình ông Tiêu mà ở Lộc Sơn còn có nhiều mô hình trang trại đạt hiệu quả, nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo, sau khi nhận đất vay vốn phát triển kinh tế đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, điển hình như gia đình ông Lê Văn Hải ở thôn 5. Năm 2005 gia đình ông Hải còn thuộc diện nghèo trong xã, khi xã có chủ trương giao đất gia đình ông đã mạnh dạn nhận 1,3 ha đất, vay quỹ tín dụng nhân dân xã 5 triệu đồng, đào ao thả cá phát triển kinh tế trang trại.

Sau 1 năm ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo mô hình nuôi cá rô phi xen ghép với các loại cá trắm, chép, mè lai... theo tỷ lệ thích hợp, ông thu được 3 tấn cá thịt, trừ chi phí còn lãi 12 triệu đồng. Từ kết quả đó, ông Hải tiếp tục đầu tư nuôi lợn theo mô hình “trên lợn dưới cá”. Kinh nghiệm chăn nuôi của ông Hải là tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi, như vậy sẽ giảm được từ 40 đến 50% chi phí sản xuất, tiếp tục duy trì, phát triển mô hình kinh tế trang trại khi giá cả thức ăn gia súc leo thang. Nhờ cần cù, chịu khó và đúc rút được kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, đến nay trang trại gia đình ông Hải cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.

Hiện nay ở Lộc Sơn có khoảng gần 20 gia đình phát triển kinh tế trang trại theo mô hình cá - lúa với diện tích nuôi thả 17ha. Đây là diện tích sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả được chính quyền địa phương quy hoạch chuyển sang mô hình kinh tế trang trại. Có được kết quả này, phải kể đến sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân từ việc lãnh, chỉ đạo, quy hoạch, định hướng, vận động nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Trên cơ sở thực hiện kế hoạch dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, xã Lộc Sơn bắt tay vào việc xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi diện tích sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả sang thâm canh theo mô hình cá + lúa + lợn bền vững để nông dân học tập, nhân rộng. Tiến hành chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả chăn nuôi của các hộ thực hiện mô hình. Ngoài ra, xã còn duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội VAC, thông qua đó để các hộ chăn nuôi tương trợ lẫn nhau về vốn đầu tư, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất.

Sau 4 năm phát triển kinh tế trang trại gắn với chăn nuôi lợn thịt theo mô hình trang trại, sản lượng về chăn nuôi xã Lộc Sơn đạt giá trị thu nhập trên 6 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã Lộc Sơn còn khoảng 10 ha diện tích sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả, xã đang định hướng tiếp tục giao cho các hộ nông dân để phát triển kinh tế trang trại, tăng thêm nguồn thu nhập cho mỗi gia đình. Mô hình trang trại kiểu mới ở Lộc Sơn đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh.