00:00 Số lượt truy cập: 2692008

Phát triển mô hình biogas tại Nghệ An: Lợi nhiều mặt 

Được đăng : 03/11/2016

Năng lượng sản sinh từ khí sinh học (biogas) là một dạng năng lượng tái tạo, dễ sản xuất, ở bất kỳ đâu nếu có chăn nuôi cũng có thể làm được. Với những lợi ích to lớn mà mô hình mang lại, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phong trào xây dựng hầm biogas khá phát triển.


Những năm 1970, mô hình khí sinh học (KSH) đã được triển khai tại Trạm y tế Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu - Nghệ An). Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng mô hình KSH ở Quỳnh Giang đã đủ để đun nấu kim tiêm cho trạm lúc bấy giờ. Mô hình đó gắn liền với cuộc đời của Anh hùng lao động Trần Chử, người mở đầu cho phong trào làm KSH tại Nghệ An.

Con đường phát triển KSH ở Nghệ An rất gập nghềnh. Những năm 1980, các đề tài thử nghiệm xây dựng hầm biogas được tái khởi động, nhưng phần lớn các công trình không đủ khí để đun sôi một ấm nước. Đến năm 1988, mô hình túi khí biogas bằng cao su, dung tích 1m3 của gia đình ông Sơn ở khối 9, Trường Thi (TP. Vinh) đã tạo ra lượng khí đủ để nấu cơm, canh cho gia đình 3 người, thắp sáng khi mất điện. Công trình này đã một lần nữa thắp lên niềm tin về sản xuất KSH ở Nghệ An. Sau đó, đến đầu những năm 1990, hầm khí nắp nổi của ông Nguyễn Tiến Chương, nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh (cũ) được sửa chữa, cùng hàng loạt hầm KSH được Hội Làm vườn Nghệ An xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả, đã góp phần làm dấy lên phong trào xây hầm biogas ở nhiều địa phương. Cho đến nay, nhiều hầm vẫn hoạt động tốt.

Đặc biệt, phong trào làm hầm biogas phát triển rầm rộ ở Nghệ An bắt đầu từ năm 2003, khi có dự án của Chính phủ Hà Lan tài trợ. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 6.800 hầm biogas các loại, trong đó có 5.761 hầm dạng vòm (KT), trên 1.000 hầm VACVINA cải tiến (do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam nghiên cứu, cải tiến), hầm composite và dạng túi ủ nylon.

Chi phí để làm hầm composite từ 1,3 - 1,6 triệu đồng/m3, hầm vòm KT từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/m3, riêng hầm VACVINA cải tiến có giá rẻ hơn, chỉ 600.000 - 700.000 đồng/m3. Điều đáng nói là hiện nay, các thông tin kỹ thuật và giá cả xây dựng hầm biogas không đến được với người dân. Đa phần bà con chọn xây hầm biogas thông qua tư vấn, tiếp thị của cán bộ thị trường. Sự tư vấn của họ lại phụ thuộc vào giá trị khuyến mãi nhiều hay ít, dẫn đến việc thông tin không đúng sự thật, làm bà con mất niềm tin.

Mới đây, Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (IESD) đã phối hợp với Trường Đại học Twente University (The Hague) nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và khả năng xâm nhập thị trường của các mô hình biogas tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, khảo sát, hầu hết các ý kiến đều đánh giá, mô hình biogas VACVINA cải tiến ở cấp độ cao nhất (tốt), rất ít người đánh giá ở mức "kém" ở hầu hết các tiêu chí.

Do giá thành hạ, hệ thống hầm biogas VACVINA cải tiến đã được phân phối với sự phụ thuộc ít hơn vào nhà tài trợ, mở ra một cách tiếp cận thị trường cho việc phổ biến công nghệ KSH.

Khảo sát cho thấy, tiềm năng phát triển các mô hình KSH ở Nghệ An quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp là rất lớn. Tính đến ngày 1/10/2010, toàn tỉnh có 308.567 con trâu, 395.973 con bò, 1.169.574 con lợn, 14.939.400 con gia cầm, hàng chục ngàn con dê và hươu nai; hàng năm thải ra môi trường 7.184.592 tấn chất thải rắn, 4.665.585 tấn chất thải lỏng và hàng trăm triệu mét khối chất thải khí. Nếu không được sử dụng, lượng chất thải trên sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ở các trang trại có quy mô chăn nuôi lớn.

Nhưng nếu được đưa vào sản xuất bioggas, sẽ cho 538.844.400m3 khí sinh học/năm, tương đương 393.356.412 lít xăng, 3.340.835.280kWh điện hoặc 2.216.806 tấn gỗ củi (khoảng 1.705.235,385m3 gỗ), tương đương hàng chục nghìn hecta rừng bị phá/năm. Đó là chưa kể Nghệ An còn có sản lượng lớn các loại thực vật và phế phẩm nông nghiệp có thể dùng để sản xuất KSH có chất lượng khá.

Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam vừa chính thức được thành lập với mục đích thúc đẩy mọi người, mọi cá nhân, tổ chức tham gia, trước hết là tạo ra, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn KSH tại địa phương, nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường, giúp giải phóng sức lao động. Đặc biệt, khi người dân ở vùng núi sử dụng hầm KSH còn hạn chế tình trạng chặt phá rừng lấy củi. Sản xuất KSH để đun nấu, chiếu sáng, sưởi ấm, mỗi hộ gia đình có thể tiết kiệm được 150.000 - 500.000 đồng/tháng tiền điện. Chất thải từ hầm KSH còn có thể sử dụng để bón ruộng hay làm thức ăn cho cá. Với mỗi hầm KSH có thể tích 7 - 10m3, bà con có thể tiết kiệm gần 250.000 đồng chi phí phân bón cho 1ha lúa; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tương đương 5 tấn khí CO2/năm...

Công nghệ KSH là công cụ để khép kín vòng kinh tế và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Và để phát triển ngành sản xuất KSH tại Nghệ An, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh cần có cơ chế khuyến khích phù hợp, đồng thời có các nghiên cứu khoa học, hoàn thiện mẫu hầm KSH phù hợp với điều kiện Nghệ An; tổ chức hội thảo khoa học về biogas nhằm đưa ra đánh giá khách quan các mẫu hầm KSH, giúp người dân có lựa chọn phù hợp.