Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên là 18.230ha (trong đó đất nông nghiệp là 9.785ha), nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị đã được Chính phủ và thành phố phê duyệt (đến năm 2020 Đông Anh sẽ chuyển 2/3 diện tích đất nông nghiệp sang phát triển đô thị và công nghiệp).
UBND huyện Đông Anh xác định tập trung phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa là nhiệm vụ hàng đầu, bảo đảm tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng xu thế phát triển.
Làm giàu từ nông nghiệp sạch
Thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Khả Hùng, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 10/24 xã đã chuyển đổi thực hiện mô hình rau sạch cung ứng cho nội đô và nhiều tỉnh lân cận. Đáng nói là nhiều dự án đã và đang được triển khai đầu tư vào huyện, đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm và phát triển đô thị và quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường là những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Là một huyện ven đô nhưng nông dân ở nhiều xã thuần nông như Tiên Dương, Vân Nội, Nam Hồng, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Uy Nỗ… có cuộc sống ổn định từ nông nghiệp nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Theo ông Phạm Văn Châm, quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Anh: Để người nông dân làm giàu trên thửa ruộng của mình và gắn bó với ruộng đồng trong bối cảnh địa phương đang phát triển mạnh các khu CN, chế xuất, đô thị, đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng cho nông nghiệp từ cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng… Qua đó rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa sản xuất nông nghiệp so với công nghiệp và dịch vụ… Giải pháp quan trọng của huyện là phát triển nông nghiệp sạch phục vụ thị trường nội đô, tiến tới xuất khẩu.
Để nông dân bám ruộng - bám làng
Nhờ sự năng động của nông dân, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, huyện Đông Anh đã xây dựng được 10 mô hình nhà lưới liên hoàn trồng rau an toàn (RAT), trong đó có điểm sáng là các xã Vân Nội, Tiên Dương... Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, kết hợp với việc nông dân cam kết sản xuất RAT đúng quy trình, trung bình mỗi năm, 12 hợp tác xã, 3 công ty tiêu thụ RAT của Vân Nội cung ứng cho thị trường nội đô hàng chục nghìn tấn RAT các loại. Với diện tích đất sản xuất RAT hơn 100ha, nhiều hộ nông dân ở xã Vân Nội có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 70% các hộ nông dân tham gia sản xuất rau sạch đã tích cực bám sát quy trình sản xuất IPM đã được Tổ chức FAO, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường công nhận đạt chuẩn vào năm 1995, chính thức được đưa vào áp dụng đến nay đã gần 11 năm.
Bà Đặng Thị Bắc, khuyến nông viên xã Vân Nội cho biết: Hiện Vân Nội có khoảng 50 đến 60 loại rau màu được đưa vào sản xuất, từ rau ăn lá đến rau củ quả. Đối với vấn đề chọn giống, đáng nói là phần lớn các hộ nông dân ở Vân Nội đều sử dụng giống tốt (F1, thuần chủng) độ nẩy mầm cao do Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Công ty Giống Trang Long và chủ yếu dùng các loại giống của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... vì giá chỉ bằng 1/3 giá giống trong nước nhưng tạo ra năng suất gấp đôi, chất lượng sản phẩm cao. Hiện có khoảng 70% giống nước ngoài, 30% giống trong nước được dùng cho sản xuất rau sạch tại xã Vân Nội. Ông Đỗ Duy Chiên, Chủ nhiệm HTX sản xuất tiêu thụ RAT xã Tiên Dương cho biết: Với 245ha diện tích trồng RAT đất quay vòng 8 lứa/năm (đó là đã trừ thời gian hơn 1 tháng đất nghỉ) thời điểm rau củ đắt là 4.000-4.500 đồng/củ su hào, bù thời điểm rẻ như đầu tháng 2 này 4-5 củ su hào mới bán được 1.000 đồng, tính ra thu nhập bình quân đất sản xuất RAT vẫn đạt 200 - 300 triệu đồng/ha.
Để giải quyết bài toán "tam nông" ở Đông Anh, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải phát triển nông nghiệp sạch gắn với chuyên môn hóa, đầu tư công nghệ. Từ thực tiễn thành công của mô hình RAT Vân Nội, Tiên Dương… cho thấy, để tăng giá trị nông sản không có cách nào khác là phát triển các sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây còn là cơ sở hạn chế tình trạng nông dân Đông Anh di cư tự do vào nội thành trong những năm vừa qua, mà họ đã ở lại địa phương bám ruộng, bám làng để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương.