00:00 Số lượt truy cập: 3234068

Phát triển vùng chè đặc sản ở Bắc Cạn 

Được đăng : 03/11/2016

Nhằm phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đến nay Bắc Cạn đã phát triển được một số vùng chè tập trung, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Tuy nhiên, để phát triển vùng chè tập trung có chất lượng, cần tháo gỡ một số vấn đề đang cản trở chủ trương này.



Chúng tôi về Bằng Phúc, xã có độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển - nơi được coi là "nóc nhà" của huyện Chợ Ðồn - vào một ngày đầu tháng 6. Nắng như đổ lửa, không khí oi nồng ngột ngạt, nhưng khi vượt qua đèo Kéo Pựt đã thấy bầu không khí hoàn toàn khác. Từ trên đỉnh đèo Kéo Pựt phóng tầm mắt xuống "lòng chảo" trung tâm của xã thấy làng, bản với những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày trên sườn đồi thấp thoáng sau những rặng cây. Thời tiết thật mát mẻ, trong lành, giữa mùa hè mà ban đêm người dân địa phương ngủ thường vẫn phải đắp chăn bông. Khí hậu đặc thù thuận lợi cho cây chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Với hương vị đặc trưng, thơm ngon, không hề phun hóa chất trong quá trình chăm bón, vì thế chè Shan tuyết Bằng Phúc thật sự là một đặc sản của Bắc Cạn được nhiều nơi biết đến.

Bác Nông Văn Thuyết ở thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn say mê với việc trồng và chăm bón cây chè Shan tuyết. Bác vui mừng cho biết, những năm trước đây chè Shan tuyết ở địa phương chủ yếu là tự sản tự tiêu, thơm ngon thật, nhưng chưa được bên ngoài biết đến, nguyên nhân chủ yếu là không có đường giao thông thuận lợi. Khi chưa có đường, người dân Bằng Phúc phải đi bộ, dùng ngựa thồ ngô, thóc ra chợ Phương Viên bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm cần thiết, rồi lại dùng ngựa thồ ngược đèo Kéo Pựt về xã. Từ ngày Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa dài hơn mười km từ Phương Viên lên Bằng Phúc thì người dân chúng tôi như đổi đời. Có đường nhựa thuận lợi, giao lưu của xã được mở mang, từ đây chè Shan tuyết Bằng Phúc được nhiều nơi biết đến, sản xuất bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, bán được nhiều tiền, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo cho gia đình.

Bác Thuyết hiện có 30 cây chè Shan tuyết cổ thụ, mỗi năm cho thu hoạch  gần một tạ chè khô, giá khoảng 80 đến 90 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, gia đình bác Thuyết đã trồng gần 2 ha chè Shan tuyết, trong đó gần 1 ha do tỉnh đầu tư tiền mua giống, phân bón và tiền bảo vệ, chăm sóc bốn năm, diện tích còn lại do gia đình tự đầu tư trồng, đã cho thu hoạch từ hai, ba năm nay. Chất lượng chè trồng cũng không thua kém so với chè cổ thụ, giá bán chỉ chênh lệch nhau từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg, vì giống được nhân từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ đầu dòng cho nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Ðến nay, toàn xã trồng gần 700 ha chè Shan tuyết, nếu tính bình quân thì mỗi hộ có gần 1,5 ha, trong đó phần lớn do tỉnh đầu tư và đã có gần 500 ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, theo thống kê của xã thì Bằng Phúc hiện còn khoảng 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ đang cho thu hoạch. Ðể nâng cao chất lượng và mẫu mã, nhân dân trong xã đã chung nhau đầu tư mua hơn 80 máy sao và vò chè; số khác bán chè nguyên liệu cho Hợp tác xã chế biến chè Thiên Phúc đặt ngay tại xã. Ðồng chí Hoàng Văn Phủ, Phó Chủ tịch UBND xã nói: "Chúng tôi chưa thống kê được sản lượng chè của toàn xã, nhưng với giá bình quân khoảng 80 nghìn đồng/kg, nguồn thu từ bán chè đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho nhân dân. Những năm tới nguồn thu từ chè sẽ tăng lên vì diện tích cho thu hoạch và năng suất ngày càng nhiều". Thực tế, ở Bằng Phúc những hộ có thu nhập khá từ chè như gia đình bác Thuyết không phải là ít.

Năm 2006, Công ty TNHH Chè Pê-lô-yên (Ðài Loan, Trung Quốc) bắt đầu thuê đất ở Bằng Phúc để trồng chè chất lượng cao. Ðến nay công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng và trồng được hơn 40 ha chè, diện tích trồng từ năm 2006 đã bắt đầu cho thu hoạch, chế biến ngay tại chỗ để xuất khẩu. Lãnh đạo công ty cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư dây chuyền chế biến chè để xuất khẩu, tiếp tục đề nghị tỉnh cho thuê thêm đất để trồng mới. Việc Công ty TNHH chè Pê-lô-yên đã và sẽ đầu tư tổng cộng 1,5 triệu USD, trồng chè thâm canh, chuyên nghiệp và chế biến chè tại Bằng Phúc đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động, góp phần tích cực phổ biến kỹ thuật thâm canh chè cho nhân dân địa phương và về lâu dài sẽ giải quyết đầu ra, nâng cao chất lượng chè ở Bằng Phúc.

Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thế mạnh của các vùng có khí hậu đặc thù ở địa phương và nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung, Bắc Cạn có đề án phát triển vùng chè đặc sản chủ yếu ở hai huyện Chợ Ðồn và Chợ Mới với mục tiêu đến năm 2010 trồng 1.800 ha chè Shan tuyết. Tại ba xã phía đông của huyện Chợ Mới (có khí hậu gần như Bằng Phúc) đến nay tỉnh đã đầu tư cho nhân dân trồng được 250 ha chè Shan tuyết và còn hàng trăm cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch. Bên cạnh đó, tại các xã Như Cố, Quảng Chu, thị trấn Chợ Mới của huyện Chợ Mới, bằng dự án đầu tư của Nhà nước và nhân dân tự trồng nên cũng đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung khá rộng lớn. Năm 2006, Công ty TNHH Phúc Lộc đã đầu tư xây dựng một nhà máy chè tại xã Như Cố, thu mua chè nguyên liệu ở địa phương để chế biến đã góp phần giải quyết đầu ra cho chè trên địa bàn huyện.

Như vậy, toàn tỉnh đã trồng  hơn 1.100 ha chè Shan tuyết ở hai huyện Chợ Ðồn, Chợ Mới và một phần ở huyện Bạch Thông. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Ðặng Văn Sơn  cho biết: Tiềm năng phát triển cây chè đặc sản Shan tuyết ở hai huyện Chợ Ðồn và Chợ Mới còn lớn, đó là hàng nghìn ha vườn tạp và rừng có giá trị kinh tế thấp có thể cải tạo chuyển sang trồng chè. Thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy mạnh trồng chè đặc sản theo đề án của tỉnh, đồng thời nghiên cứu chính sách, tham mưu cho tỉnh mở rộng diện tích trồng chè đặc sản ở hai huyện này trong những năm tiếp theo nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện một số vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hai vùng chè đặc sản tập trung. Ðó là, ở một số thôn, bản vẫn tồn tại tập quán thả rông trâu, bò nên chè mới trồng bị chúng phá hoại. Suất đầu tư của tỉnh trồng một ha chè còn thấp, hai năm 2006 - 2007 là 7 triệu đồng, năm 2008 là 8 triệu và năm nay nâng lên 12 triệu đồng/ha (trong khi đó đơn giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra trồng một ha chè Shan tuyết tối thiểu là 22 triệu đồng/ha), nên nhân dân ở một số nơi trồng mật độ thưa, sau khi trồng đầu tư thâm canh hạn chế nên làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, chất lượng của cây chè và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Một số tư thương khi thấy chè Shan tuyết có giá thành cao đã trộn lẫn với chè thường làm ảnh hưởng đến thương hiệu chè đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang có nguy cơ bị già cỗi, một số cây đã bị rỗng ruột, cành bị chết khô cần phải được bảo vệ, chăm sóc để bảo tồn lâu dài, nhân giống tại địa phương.