Phong điện - điện gió được xem là một trong những nguồn năng lượng tái tạo đầy tiềm năng ở Việt Nam, không chỉ góp phần làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là giải pháp cho tình trạng thiếu điện.
"Của trời cho"
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, với bờ biển dài hơn 3.000km, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất khu vực với công suất ước tính 513.360 MW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt. Trong đó, miền Trung có tiềm năng gió lớn nhất với 880MW, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai cũng là địa điểm đáng chú ý.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), việc tăng năng suất điện gió có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng cách ngăn chặn hiệu ứng nhà kính. Cứ mỗi trại gió có công suất 15MW khi so sánh với một nhà máy điện sử dụng than đốt có cùng công suất, có thể làm giảm 45.000 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Thêm vào đó, một trại gió còn góp phần ngăn cản sự hủy hoại môi trường địa phương như việc rò rỉ dầu nhớt vào đất. Ngoài ý nghĩa đó, việc sử dụng điện gió đang là giải pháp tốt cho tình trạng thiếu điện ở Việt Nam hiện nay, khi mà nhu cầu về điện tiêu dùng tăng 15%/năm, gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế và vượt xa mức cung về điện.
Khai thác còn hạn chế
Tại hội thảo Hướng dẫn quy trình lập quy hoạch và thông tin đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam được tổ chức mới đây ở Hà Nội, bà Angelika Wasielke, Cố vấn trưởng Dự án Năng lượng gió GIZ cho biết, hiện nay, tiềm năng điện gió ở Việt Nam dù đã được khai thác nhưng quy mô còn nhỏ, mới chỉ dừng ở phạm vi vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ gia đình. Tính đến tháng 8/2009, Việt Nam mới có 5 tua - bin gió được lắp đặt phục vụ cho mục đích nối lưới điện quốc gia tại tỉnh Bình Thuận của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN). Một số dự án điện gió với công suất 6-150MW đang ở giai đoạn lập kế hoạch nhưng vì thiếu khung chính sách phù hợp để đảm bảo hiệu quả sinh lợi của các nhà đầu tư tư nhân đã làm cho việc xây dựng các trại gió có công suất lớn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến việc sử dụng điện gió ở Việt Nam hạn chế, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, tiến sỹ ngành điện gió, là do thiếu thông tin về thị trường, hạ tầng chưa hoàn thiện và thiếu các đơn vị tư vấn có chuyên môn sâu về năng lượng gió. "Đường sá, cầu và phương tiện vận tải phục vụ việc vận chuyển và lắp đặt các tua-bin gió ở Việt Nam còn hạn chế", ông Khanh nói. Thêm vào đó, do không có công nghệ trong nước nên tua-bin gió và các thiết bị liên quan khác đều phải nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, bên cạnh "nút thắt" về giá điện cao thì thủ tục đầu tư phức tạp và tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cũng là những cản trở lớn cho thị trường điện gió hiện nay. Ông Thắng cho rằng, việc đầu tư phát triển điện gió là cần thiết nhưng không vội vàng phát triển bằng mọi giá, bởi như vậy áp lực tăng giá điện càng cao. Giá thành phát điện của điện gió khoảng 7-12 cent, khi lãi suất vay tăng thì giá thành phát điện có thể lên đến 14 cent/kWh. Như vậy, so với thủy điện, giá năng lượng tái tạo, năng lượng gió là rất cao.
Dù vậy, theo bà Angelika Wasielke, những rào cản này là phổ biến đối với một thị trường mới, có thể từng bước vượt qua được nếu Việt Nam có một khung chính sách hỗ trợ thích hợp. Trước mắt, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện gió, cần phải có một chiến lược phát triển năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và các cá nhân tham gia vận hành nhà máy điện gió. Trước mắt, EVN thống nhất mua điện với giá 6,8 cent/kWh, chủ đầu tư được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10%.