00:00 Số lượt truy cập: 2677693

Phú Thọ: Phát triển rừng gắn với chế biến gỗ tại chỗ 

Được đăng : 03/11/2016
Ấm Hạ là một xã miền núi của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong những năm qua, Hội nông dân của xã đã không ngừng định hướng cho người nông dân chuyển đổi mô hình kinh tế nông- lâm- ngư- nghiệp và đạt hiệu quả. Có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại chính quê hương mình. Trong hướng đi chung ấy, hơn 10 năm qua, trồng rừng gắn với chế biến gỗ tại chỗ đã và đang được người dân áp dụng và mang lại lợi ích kinh tế cao.

Xã Ấm Hạ có diện tích đất tự nhiên 1.274,01ha, trong đó đất rừng và đất lâm nghiệp 858ha chiếm 68%, rừng khoanh nuôi phòng hộ 29,2ha, rừng kinh tế 828,8ha, độ che phủ của rừng đạt 52%. Xã có thế mạnh về giao thông, tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng, trên địa bàn xã có công ty Lâm nghiệp thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam đang sản xuất và kinh doanh nguyên liệu giấy sợi, có nhà máy chè và nhiều xưởng kinh doanh chế biến lâm sản. Trong những năm gần đây xã đã được đầu tư nhiều chương trình dự án mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của mình, cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng, diện tích đồi núi trọc của xã nhanh chóng được phủ xanh bởi những cánh rừng mới trồng. Trong 5 năm qua, toàn xã đã trồng mới được 111,5ha rừng bằng các loại cây có giá trị kinh tế và 21.350 cây phân tán. Xã đã vận động nhân dân chuyển 6,24 ha diện tích cọ kém hiệu quả sang trồng rừng. Diện tích rừng được khai thác 91,1ha, giá trị thu từ khai thác gỗ, củi hàng năm từ 1.120-1.436 triệu đồng. Công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng được thực hiện có hiêu quả.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Vũ Quốc Phi dẫn chúng tôi tới thăm trang trại của ông Nguyễn Huy Thọ, khu 4 - một trang trại điển hình trồng rừng của xã. Năm 1992, gia đình ông đã nhận và mua lại 25ha đất khu Núi Buộm. Với nguồn vốn vay của Ngân hàng ông đầu tư vào trồng rừng, trồng chè, xen kẽ các loại cây ngắn ngày, đồng thời tích cực đi tham quan các mô hình kinh tế ở trong và ngoài xã, áp dụng đúng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay gia đình ông đã có một cơ ngơi gần 22ha cây lâm nghiệp đã được khép kín, 2ha cây ăn quả, có 3 vạn cây keo hứa hẹn cho một nguồn thu không nhỏ. Ngoài trồng rừng ông Thọ còn thả cá, nuôi 2 cặp bò sinh sản, 20 con dê, 90 con lợn và trên 100 con gà. Từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và vay thêm ngân hàng, năm 2004 ông mua được ô tô tải 5 tấn đến năm 2007 lại đầu tư một xưởng chế biến lâm sản gồm 2 dàn máy và một xe tải 7 tấn. Từ mô hình này đã mang lại nguồn thu cho gia đình mỗi năm 7-8 trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 50 công nhân lao động trong xã với mức thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Nói về định hướng phát triển rừng của xã trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND xã Vũ Quốc Phi cho biết: Đảng ủy, HĐND, UBND, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tiếp tục tham gia phong trào trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng vận động nhân dân đẩy mạnh trồng rừng theo hướng liên doanh, liên kết với công ty trong và ngoài huyện, coi đó là hướng phát triển hiệu quả không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ phát triển lâm nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường, cảnh quan phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6% vào năm 2015.

Gắn hoạt động trồng rừng với mô hình chế biến gỗ tại chỗ là hướng đi hiệu quả ở Ấm Hạ hiện nay. Trong những năm qua, Ấm Hạ là xã có sự tăng trưởng kinh tế vào loại cao trong huyện Hạ Hòa là nhờ vào một mô hình mới được người dân nơi đây áp dụng đó là lập xưởng sơ chế gỗ ngay tại địa phương. Chính mô hình này đã và đang mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân của xã. Theo đánh giá của Đảng ủy xã Ấm Hạ, đến hết quí I năm 2011, toàn xã có 34 xưởng chế biến gỗ, tăng 9 xưởng so với trước nhưng đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương Ấm Hạ. Người nông dân của xã giờ yên tâm hơn trước vì đã có việc làm ngay tại chỗ không chỉ ngày mà còn làm thêm giờ cả đêm và có thu nhập ổn định nếu làm việc đều đặn và kiên trì.

Ông Vũ Quốc Phi- Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ khẳng định: “ Mô hình chế biến gỗ ngày càng có sức lan tỏa ở xã Ấm Hạ và ngày càng tạo điều kiện tốt cho nông dân của xã có thêm việc làm và thêm thu nhập”.

Hiện nay, ở Ấm Hạ, các hộ nông dân đều được tạo điều kiện vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để có vốn mở xưởng nên các xưởng chế biến gỗ xuất hiện ngày càng nhiều. Từ khu 3 đến khu 9 hầu như các khu đều có xưởng chế biến gỗ. Do vậy, người nông dân ở đây đều được thu hút làm công nhân chế biến và phơi ván. Điều đáng nói là họ đều có việc làm ổn định, thường xuyên và được chủ các xưởng gỗ trả công một cách công bằng, đảm bảo an toàn trong lao động.

Bà Đỗ Thị Sang-Chủ tịch Hội ND xã Ấm Hạ cho biết, nghề bóc ván công nghiệp không chỉ tạo việc làm cho công nhân đứng máy, mà còn tạo ra hàng trăm việc làm ở các dịch vụ, công đoạn khác nhau. Trên địa bàn xã đã hình thành dịch vụ vật tư, vận chuyển gỗ, ván dăm. Riêng công đoạn bóc vỏ gỗ, phơi ván dăm cũng tạo việc làm cho hàng trăm lao động với ngày công từ 50.000-60.000 đồng.

Hiệu quả mang lại của các xưởng chế biến gỗ ở Ấm Hạ là không nhỏ đối với sự phát triển diện mạo mới của xã. Đặc biệt là đối với người nông dân xưa kia chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối hay phải xa quê đi làm thuê nơi khác mà thu nhập chẳng đáng là bao. Đến nay, người nông dân của xã đã có thu nhập ổn định hơn trước, nhiều nhà đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có điều kiện để mua sắm các thiết bị sinh hoạt trong gia đình và quan tâm đến việc học hành của con em mình.

Máy cắt gỗ ép ở Ấm Hạ