Phú Thọ giúp nông dân thoát nghèo
Được đăng : 03/11/2016
Cách đây hơn mười năm, cán bộ khuyến nông xuống cơ sở "cầm tay chỉ việc" để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) cho nông dân tiếp cận với giống, kỹ thuật canh tác mới. Với cách làm đó nhiều hộ nông dân ở Phú Thọ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nhiều mô hình hiệu quả
Anh Vi Văn Toại, 42 tuổi, ở Khu bảy, xã Ðông Thành, huyện Thanh Ba nhớ lại những ngày khi đến vụ thu hoạch chè, gia đình sáu người phải làm quần quật cả tháng trời mới hái xong hơn hai ha chè. Nhưng từ ngày sử dụng máy hái chè, gia đình chỉ mất bảy ngày là thu hoạch xong. Anh Toại kể: Năm 2007, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ vốn mua máy hái chè của Nhật Bản trị giá 14 triệu đồng, trong đó ngành nông nghiệp hỗ trợ bảy triệu đồng. Hiện nay ở Thanh Ba có nhiều nông dân mua máy hái chè áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngành nông nghiệp còn chuyển giao TBKT giúp nông dân xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều nông dân đã thoát cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Ðiển hình như mô hình nuôi nhím của gia đình anh Trần Ðức Huy, Khu mười, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì. Trước đây, gia đình anh đầu tư cả trăm triệu đồng mở trang trại nuôi gà nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh cho nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2007, được hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh quyết định đầu tư nuôi nhím. Hiện nay, gia đình có sáu cặp nhím sinh sản, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được từ 120 đến 150 triệu đồng. Anh cho biết, nuôi nhím không mất nhiều công sức, thức ăn đơn giản, chủ yếu là rau, củ, quả lại không lo đầu ra. Một cặp nhím bố, mẹ, mỗi năm đẻ được hai lứa, mỗi lứa bán được từ 13 đến 15 triệu đồng. Hay như mô hình nuôi thỏ của một số gia đình tại huyện Lâm Thao. Nhờ hiệu quả kinh tế cao mà nhiều nông dân ở Tứ Xã, Sơn Vi, Cao Xá (Lâm Thao) đã thoát nghèo như gia đình ông Nguyễn Trường Sinh, Nguyễn Xuân Oanh, Kiều Văn Phụ... Hiện nay ở Lâm Thao đã thành lập được Hội nuôi thỏ và là hội duy nhất ở khu vực miền bắc. Chủ tịch Hội Nguyễn Xuân Diễn cho biết: Trước đây có một số gia đình nuôi thỏ nhưng chỉ là tự phát, nhưng từ khi có sự trợ giúp tích cực của ngành nông nghiệp, hiện nay đã có hàng trăm hộ gia đình ở Lâm Thao nuôi thỏ.
Ngành nông nghiệp Phú Thọ còn triển khai nhiều mô hình áp dụng TBKT của quốc gia, quốc tế về giống, kỹ thuật thâm canh có giá trị kinh tế đạt từ 60 đến 100 triệu đồng/ha. Ðiển hình như mô hình lúa lai mới, cây đậu tương đông, trồng hoa... có thể cho phép thay thế các giống cũ, cách thức sản xuất cũ; mô hình ứng dụng gieo cấy lúa lai giống Thục Hưng 6, Thiên nguyên ưu 16, người nông dân áp dụng hình thức gieo sạ bằng giàn kéo, làm đất bằng máy, áp dụng biện pháp bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến (SRI)... cho phép tiết kiệm chi phí giống, thuốc trừ sâu, công lao động...
Từng bước trở thành người bạn của nhà nông
Hiện nay, hệ thống khuyến nông ba cấp ở Phú Thọ có gần 800 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 80% có trình độ chuyên môn từ chuyên ngành trung cấp nông - lâm nghiệp, thủy sản trở lên. Hằng năm khuyến nông đã mở hàng trăm lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật và nghiệp vụ cho nhiều hộ nông dân. Chỉ riêng năm 2009, khuyến nông tỉnh đã tổ chức 140 lớp, 62 cuộc tham quan thu hút hơn một nghìn lượt nông dân tham gia; xây dựng gần 30 mô hình trình diễn kỹ thuật. Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy ở Phú Thọ cán bộ khuyến nông cơ sở chưa đồng đều về trình độ chuyên môn, cán bộ nhiều nơi còn yếu, thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều cán bộ khuyến nông phải kiêm nhiệm nhiều công việc của xã dẫn đến việc xây dựng các mô hình không hiệu quả; mặt khác, đời sống của cán bộ khuyến nông còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt từ 320 nghìn đến 400 nghìn đồng/người/tháng dẫn đến công việc không hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển giao TBKT cho nông dân. Trong khi đó, Phú Thọ là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình đồi núi, quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế, cũng như triển khai áp dụng các TBKT vào sản xuất nên nhiều mô hình hiệu quả không cao. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa trung tâm khuyến nông với các ngành liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu chưa chặt chẽ dẫn đến việc để trao đổi thông tin, thẩm định, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Ông Trần Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ cho biết, nhiều năm qua, trung tâm đã tích cực đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Qua đó đã giúp hàng vạn lượt hộ nông dân, các chủ trang trại, người sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được tiếp cận, học hỏi và thụ hưởng những TBKT để ứng dụng vào sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ và chuyển giao nhiều máy móc phục vụ cho cơ giới hóa như máy làm đất đa năng, máy hái chè, giàn sạ kéo tay gieo thẳng hàng, đến nay đã chuyển giao được 610 giàn kéo tay gieo sạ. Bình quân mỗi ha áp dụng hình thức gieo sạ đã tiết kiệm hơn 30 kg thóc giống, hơn 40 công cấy, bảo đảm thời vụ và nâng cao năng suất lúa lên từ 10 đến 15%. Hay việc đưa máy hái chè vào áp dụng cũng góp phần đưa năng suất lên gấp 10 lần hái thủ công, khuyến khích các hộ mở rộng sản xuất lên quy mô lớn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song việc chuyển giao TBKT cho nông dân ở Phú Thọ bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, giúp cho nhiều nông dân thoát cảnh đói nghèo. Việc ứng dụng TBKT đã làm thay đổi nếp suy nghĩ chia nhỏ ruộng đất manh mún, lao động tự cấp, sản xuất tự túc, từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ Nguyễn Văn Hùng cho biết, TBKT thật sự là "cần câu" giúp nông dân thoát khỏi đói nghèo. Ðiều này được minh chứng bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, những giống lúa lai, ngô lai được đưa vào sản xuất với tỷ lệ cao, trong đó diện tích lúa lai năm 2009 đạt gần 50%, ngô lai đạt hơn 95%; nhiều giống chè như LDT1, LDT2, Phúc Vân Tiên đã được nhân rộng; nhiều con giống có giá trị kinh tế, năng suất cao cũng được đưa vào nuôi trồng. Có thể khẳng định, việc ứng dụng TBKT ngày càng được nông dân Phú Thọ tiếp nhận, tích cực triển khai nhờ đó góp phần bảo đảm được an ninh lương thực. Ðặc biệt, năm vừa qua năng suất lúa, ngô đạt cao nhất từ trước tới nay, sản lượng chè búp tươi về đích trước hai năm, đưa Phú Thọ vươn lên đứng thứ ba trong toàn quốc về sản lượng và diện tích chè; đứng thứ 2/15 tỉnh miền núi phía bắc về phát triển thủy sản, hoàn thành trồng mới một nghìn ha bưởi Ðoan Hùng, nâng độ che phủ rừng đạt 48,7%. Năm 2010, ngành sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống cán bộ khuyến nông đạt chuẩn và có cơ chế chính sách phù hợp bảo đảm đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ, thật sự là cầu nối giữa nhà khoa học với nông dân; tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động cho phù hợp với tính đa dạng trong nông nghiệp thời kinh tế thị trường; tranh thủ nguồn lực các chương trình dự án với đầu tư của ngân sách để giúp nông dân tiếp cận nhanh, hiệu quả với TBKT, góp phần xây dựng nông thôn mới.