00:00 Số lượt truy cập: 2692160

Phú Yên: Mô hình trồng thâm canh giống mía K84-200 - hướng thoát nghèo cho bà con dân tộc xã Eatrol 

Được đăng : 03/11/2016
Xã Eatrol là một xã thuộc huyện miền núi Sông Hinh, người dân sống tại đây chủ yếu là người dân tộc Êđê, cuộc sống còn nghèo và khó khăn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, khoảng 2.734 ha, nhưng do chưa có hệ thống thuỷ lợi nên bà con thường bỏ đất hoang hoá.

Một số diện tích đất thì trồng cây lúa rẫy, chủ yếu nhờ vào nguồn nước trời, năng suất cũng nhờ trời, có năm đạt, năm mất. Thu hoạch lúa có khá lắm cũng chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha, làm lúa chỉ mong có cái ăn thôi chứ chưa ai nghĩ đến chuyện làm giàu. Cái ăn, cái ở, cái mặc… của bà con dân tộc tại đây còn thiếu thốn mọi bề.

Trước những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân xã Eatrol, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã xây dựng 2 điểm trình diễn mô hình trồng thâm canh giống mía K84-200 tại buôn Bầu Trong và buôn Ly thuộc xã Eatrol. Mục đích của mô hình nhằm mở ra cho bà con nông dân tại đây một cách làm ăn mới, có thêm đối tượng cây trồng mới có triển vọng, phù hợp và thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất trảng đồi này. Mô hình được xây dựng với quy mô 28 ha cho 80 hộ nông dân tham gia, theo đó Nhà nước đầu tư hỗ trợ 60% giá giống mía, 40% giá vật tư, phân bón để xây dựng mô hình. Sau hơn 2 tháng thực hiện, cây mía hiện đang ở giai đoạn 8-10 lá, do thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như làm đất kỹ, cày sâu, đảm bảo cho đất giữ ẩm tốt nên mặc dù gặp điều kiện thời tiết khô hạn nhưng cây mía vẫn sinh trưởng, phát triển khá tốt. Qua điều kiện thực tế cho thấy, giống mía K84-200 chứng tỏ có khả năng chịu được hạn và thích nghi với chân đất trảng đồi của xã Eatrol, huyện Sông Hinh.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, với việc triển khai mô hình đúng yêu cầu kỹ thuật, mật độ cây đảm bảo như hiện nay, dự kiến năng suất có thể đạt trên 80 tấn/ha, với giá thu mua khoảng 400.000 đ/tấn thì 1 ha trồng mía sẽ mang lại doanh thu 32 triệu đồng/ha. Đây là khoản thu nhập không nhỏ so với đời sống hiện nay của người dân tộc tại địa phương, thu nhập của mô hình trồng mía còn vượt xa so với việc sản xuất lúa rẫy 1 vụ trên cùng 1 chân đất này (chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/ha). Mô hình trồng thâm canh giống mía mới K84-200 hứa hẹn sẽ là loài cây trồng bền vững lâu dài cho bà con nông dân xã Eatrol và là mô hình giúp bà con nông dân tại đây thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.