Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, gần 400ha tôm thẻ chân trắng vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa - Phú Yên) thả nuôi vụ 2/2012 từ 10 - 60 ngày tuổi bị nhấn chìm bởi nước lũ. Nhiều nông dân ở đây lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất vì thiệt hại không thể cứu vãn.
Đi qua các đầm tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch vào những ngày này, không khí mùa vụ vắng hẳn cảnh tất bật nuôi tôm như thường lệ, thay vào đó chỉ lác đác vài bóng chủ hồ tiến hành thu hoạch “mót” tôm, mong vớt vác “của đổ” kiếm lại chút ít phần nào. Nhưng thật xót xa, chỉ một số ít hộ nuôi thu được vài tạ tôm, phần nhiều hầu như không còn gì để thu hoạch. Còn có “mót” lại được thì bán không ai mua vì do một số hộ thả tôm từ 10 ngày tuổi tôm còn quá nhỏ nên không thể bán được, nhiều người thu gom làm thức ăn cho gia súc. Anh Phạm Anh Thi (36 tuổi, xã Hòa Xuân Đông) có 2 vuông tôm rộng 2ha, thả 10 vạn con tôm giống nhưng đến giờ đã có 1 ao bị khai tử, nay chỉ còn khoảng 8.000 con. Anh Thi rầu rĩ thở dài trong nỗi thất vọng: “Gia đình tôi có 2ha tôm thẻ chân trắng đã 40 ngày tuổi đang trong giai đoạn phát triển nhưng chỉ sau cơn bão “định mệnh”, 1,5ha diện tích nuôi đã bị ngập lụt trên 0,8m nước, tôm “đi” sạch sẽ, ước thiệt hại trên 200 triệu đồng. Bão số 1 đến quá bất ngờ trở tay không kịp nên số tôm trong đầm bị cuốn phăng khỏi ruộng, trôi ra biển. Vợ chồng tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hòa 100 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm vụ này, chỉ còn hơn một tháng nữa là thu hoạch, ai ngờ cơn bão số 1 lấy hết”. Không riêng gì người nuôi tôm như anh Thi, nhiều hộ nuôi tôm cùng vùng cũng điêu đứng vì tôm cuốn phăng ra biển. Một hộ khác thả 20 vạn con tôm giống, nay chỉ còn chưa tới 5 vạn. Chị Nguyễn Ly Thảo, ở thôn Thạch Tuân 1, xã Hòa Xuân Đông cho biết: “Thấy thời tiết mưa thuận gió hòa nên nhà tui thả 20 vạn con tôm giống tăng gấp 2 lần so với mùa vụ trước trên diện tích 2,5ha đã được 3 tháng tuổi (320 con/kg). Cứ tưởng mùa này sẽ trúng đậm ai ngờ cơn bão số 1 vào đêm ngày 2/4 đến bất ngờ kèm theo mưa lớn kéo dài do đó nước lên quá nhanh. Đã huy động nhiều người đến be bờ, giăng lưới nhưng cũng không cứu vãn được gì. Sau khi bão đi qua mọi người trong gia đình ra đầm mót lại số tôm không bị trôi được gần 3 tạ nhưng cũng không thu hồi vốn liếng gì được, bán chưa tới 9 triệu đồng. Giá thu mua được các lái thương đưa ra đối với tôm trên 2 tháng tuổi là 55.000 đồng/kg; 1 tháng tuổi là 2.7000 đồng/kg. Vợ chồng tôi cũng vay ngân hàng 150 triệu đồng để nuôi vụ này, nhưng hiện cũng trắng tay. Thực sự không biết lấy gì để trả ngân hàng. Trong lúc hoạn nạn này, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người dân khắc phục thiệt hại thiên tai để tiếp tục đầu tư nuôi gỡ gạc vụ sau, có tiền trả nợ”. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hòa, thông thường hàng năm, cứ vào giữa tháng 3, tháng 4 là mùa cao điểm thả tôm vào đầm nhưng năm nay cơn bão số 1 đến bất ngờ làm cho đầm bị chìm, hầu hết tôm bị phân tán lên ruộng. Vì thế, công sức của rất nhiều hộ dân đã bị cuốn sạch theo bão lũ. Nuôi tôm thẻ chân trắng hiện là nguồn thu nhập chính của các hộ dân thuộc vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Ảnh hưởng cơn bão số 1, cứ tưởng nước sông Bánh Lái sẽ chỉ ở mức báo động cấp 1 như dự báo, nhưng ai ngờ nước lên trên báo động cấp 2 khiến người dân trở tay không kịp. Đêm đầu tiên bị ảnh hưởng chúng tôi đã huy động bà con nông dân cứu giúp những hộ gia đình nuôi tôm đang trong tình trạng nước lũ cuốn trôi nhưng nước lên quá nhanh nên các hộ nuôi tôm chỉ biết đứng nhìn dòng nước cuồn cuộn cuốn phăng tài sản đầu tư vào vụ tôm năm nay ra biển Đông . Đối với những hồ tôm bị nước lũ nhấn chìm thiệt hại đã thấy rõ, nhưng với những hồ nuôi nằm ở vùng cao không bị ngập lụt cũng đang đối mặt với “án tử” nghiệt ngã. Theo ước lượng của người nuôi tôm, do lượng mưa quá nhiều trong những ngày ảnh hưởng bão số 1 nên đã có khoảng 30% lượng nước trong hồ nuôi hiện là nước mưa. Nếu độ mặn giảm thấp, tôm sẽ bị sốc nước và lột xác, người nuôi phải có chế độ chăm sóc đúng cách mới mong qua khỏi. Để cứu những ao tôm này, ngành thủy sản khuyên người nuôi phải nhanh chóng tăng cường xử lý ao hồ, vớt rong đưa lên bờ và đặc biệt là không nên xử môi trường nước bằng hóa chất trong giai đoạn này vì sẽ rất dễ gây chết tôm. Đồng thời, chủ hồ cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng để tôm có sức đề kháng vượt qua; nếu không, khó biết trước điều gì sẽ xảy ra… Theo các chuyên gia, để có thể cải tạo vùng nuôi này nuôi vụ sau ít nhất phải mất hơn tháng sau, tuy nhiên trước hiện trạng bị thất bát trong vụ nuôi này và trước hiện tượng “nghịch trời” thường xảy trong thời gian gần đây, vùng nuôi vùng hạ lưu sông Bàn Thạch hơn 1.000 ha có thể sẽ có nhiều diện tích sẽ bị bỏ hoang trong năm nay. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hòa, do ảnh hưởng cơn bão số 1, toàn huyện có hơn 1.000 hộ nuôi tôm với diện tích gần 400/504ha tôm thẻ chân trắng thả nuôi vụ 2/2012 từ 10 - 60 ngày tuổi bị ngập nước lũ gây mất trắng (tôm nuôi từ 20 - 45 ngày tuổi chiếm 70%, tôm dưới 20 ngày tuổi chiếm 20%, còn lại tôm nuôi trên 2 tháng tuổi và dưới 10 ngày tuổi). Tổng thiệt hại các hộ nuôi tôm ở vùng này khoảng 43 tỉ đồng. |