Có vẻ như thương lái Trung Quốc đang chơi trò “ú tim” với nông dân nhiều vùng chuyên canh của Việt Nam khi có lúc đẩy giá nông sản lên trời, có lúc lại ngoảnh mặt làm ngơ không thu mua khiến giá tuột dốc. Hay đằng sau những sự việc liên tiếp xảy ra trong mấy năm gần đây còn có “hàm ý” khác?
“Sự đỏng đảnh có chủ ý” Đã có nhiều bài học cho nông dân Việt Nam khi ham lợi trước mắt mà bán hàng cho thương lái Trung Quốc như mua râu ngô non, chè vàng, chè bẩn, sừng trâu, thậm chí là… đỉa. Sau “cơn sóng” chè bẩn hồi năm 2011 đến vụ thu mua đỉa làm đảo lộn nhiều vùng quê, đe dọa môi trường sinh thái, bây giờ, vùng trồng dứa, khoai lang, sầu riêng ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang sống dở chết dở vì sự “đỏng đảnh có chủ ý” của thương lái Trung Quốc. Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) kháo nhau việc thương lái Trung Quốc vào tận vườn sầu riêng để thu mua trái non với giá cao để đóng thùng chở về nước. Tình trạng này có thể khiến giá sầu riêng giảm trong tương lai không xa và điều nguy hại hơn rất nhiều là chất lượng trái sầu riêng có thể giảm, vùng chuyên canh sẽ bị phá vỡ sau rất nhiều công gây dựng của nông dân với biết bao mồ hôi nước mắt. Thương lái Trung Quốc cũng có hành động tương tự với vùng chuyên canh dứa (khóm) Tân Phước (Tiền Giang) và khoai lang ở Vĩnh Long. Chưa khi nào người dân bán khóm được dễ dàng với giá cao như thế, thậm chí thương lái còn đặt hẳn một cơ sở thu mua tại dốc cầu Kinh Xáng thuộc xã Long Định (Châu Thành). Cũng như kiểu mua chè theo kiểu “vơ tuốt” trước kia, họ mua dứa loại có trọng lượng từ 1-2kg/trái trở lên, quả còn xanh tươi và tất nhiên, giá bao giờ cũng cao hơn thương lái nội địa từ 500-800 đồng/kg. Có ngày họ thu mua được 20-30 tấn. Trong khi đó, những người trồng khoai lang tím Nhật ở hai huyện Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) đang sống dở chết dở vì tự nhiên thương lái Trung Quốc không thu mua sản phẩm. Có vẻ như nông dân nơi đây đã “sập bẫy” thương lái Trung Quốc khi đã có thời gian họ thu mua tất cả các loại khoai với giá cao, sau khi bà con ồ ạt trồng và sản lượng tăng đột biến thì họ tha hồ ép giá, và bây giờ là bỏ về nước không một lời từ biệt. Hiện, giá khoai lang tím tại Vĩnh Long giảm từ 1 triệu đồng/tạ xuống còn 200.000 đồng/tạ (60kg). Hậu quả nhãn tiền
Theo ông Bon, thương lái Trung Quốc cạnh tranh mua với giá khoảng 4.000 đồng/kg, trong khi Công ty chỉ mua với giá 3.200 - 3.500 đồng/kg. Và cũng “chiêu bài” cũ, sau nhiều ngày đặt trạm thu mua dứa với giá cao hơn thị trường, mấy ngày qua, thương lái Trung Quốc đột ngột “im thin thít, lặn mất tăm” khiến nhiều thương lái Việt Nam “khóc ròng” vì lỡ ôm hàng. Ông Bon cho rằng, có điều gì đó bất bình thường ở đây khi giá dứa tại Vân Nam (Trung Quốc) chỉ khoảng 3.000 đồng/kg nhưng không hiểu sao họ vẫn sang Việt Nam thu mua với giá cao. Sau “những ngày tháng đẹp” mà thương lái Trung Quốc mang lại, giờ đây, người trồng khoai Vĩnh Long đang “ôm quả đắng”. Không xót xa sao được khi diện tích khoai lang tăng đột biến trong khi giá lại tuột dốc không phanh. Tính đến cuối tháng 5/2012, toàn tỉnh đã xuống giống 9.225ha khoai, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2011, tập trung ở ba huyện Bình Tân, Bình Minh và Tam Bình, trong đó khoai lang tím Nhật chiếm hơn 70%. Ông Trần Văn Vũ ở xã Thành Đông thuê 2ha đất trồng khoai nhưng đến giờ vẫn chưa bán được trong khi vốn liếng đều vay ngân hàng. Nhiều nông dân cho rằng, với mức giá chỉ còn khoảng 250.000 đồng/tạ, ai có đất trồng thì may mắn hòa vốn, còn nếu thuê đất trồng thì cầm chắc lỗ, trong khi đó, nhiều nông dân Vĩnh Long vì ham lợi đã sang tận Kiên Giang, Cần Thơ thuê đất trồng khoai. Được biết, trước tình hình nông dân thua lỗ do đổ xô trồng khoai lang tím Nhật, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã khuyến cáo bà con sản xuất theo quy hoạch, tránh tình trạng xuống giống một cách ồ ạt; đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu cho khoai lang và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu khoai lang để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, việc thời gian qua thương lái Trung Quốc “làm mưa làm gió” ở các vùng chuyên canh của Việt Nam là không bình thường. Đã đến lúc các cấp chính quyền, ngành chức năng cần vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ những đối tượng này, yêu cầu họ làm ăn theo đúng pháp luật của Việt Nam; khuyến cáo nông dân không nên vì cái lợi trước mắt mà mở rộng quy mô sản xuất. |