00:00 Số lượt truy cập: 3229322

Quảng Nam: Hiệu quả mô hình thực nghiệm cây lạc 

Được đăng : 03/11/2016

Cây lạc là cây trồng truyền thống của nông dân Quảng Nam và là cây trồng có diện tích đứng thứ 3 sau cây lúa và cây ngô. Hiện toàn tỉnh có khoảng 12.000 ha lạc, là một tỉnh có diện tích trồng lạc lớn nhất khu vực Duyên Hải Nam trung Bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cây lạc thường bị bệnh héo rũ làm giảm năng suất đáng kể. Vụ Đông Xuân vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam đã xây dựng mô hình thực nghiệm đồng ruộng: “Ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp nhằm hạn chế bệnh héo rũ trên cây lạc (đậu phụng) ở địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Mô hình bước đầu đã mang lại kết quả đáng khích lệ, nhằm có cơ sở đánh giá, so sánh và đối chiếu hiệu quả kinh tế giữa mô hình thực nghiệm với ruộng đối chứng, đồng thời khuyến cáo nhân rộng trong thời gian đến. Chúng tôi xin tổng hợp và giới thiệu kết quả mô hình như sau:


Mô hình được thực hiện với quy mô 3 ha, tại xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình. Giống sử dụng trong mô hình là giống lạc TB25 của công ty giống Thái Bình, có 40 hộ trực tiếp tham gia. Những điểm khác nhau về kỹ thuật canh tác giữa mô hình thực nghiệm so với mô hình đối chứng: về giống sử dụng giống TB25, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp, dùng màng phủ nông nghiệp và sử dụng men Trichoderma.sp để ủ phân chuồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bệnh héo rũ gây hại. Ruộng đối chứng sử dụng giống TB25 nhưng canh tác theo phương pháp truyền thống.

Theo thống kê của một số hộ đã thu hoạch thì năng suất thực thu trung bình của mô hình thực nghiệm 41 tạ/ ha, ruộng đối chứng 30 tạ/ ha. Do thời tiết khí hậu vụ Đông Xuân năm nay diễn biến phức tạp, trời rét lạnh kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, đa số cây trồng cạn mất mùa trong đó có cây lạc. Lạc ở ruộng sản xuất đại trà của nông dân chỉ đạt 16 tạ/ha. Thế nhưng lạc trong ruộng thực nghiệm sử dụng men Trichoderma ủ phân chuồng có chứa vi sinh vật đối kháng với nấm bệnh héo rũ và sử dụng màng phủ nông nghiệp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, năng suất tăng hơn đối chứng 11 tạ/ha và cao hơn rất nhiều so với sản xuất đại trà sử dụng giống lạc sẻ Tây Nguyên. Mô hình được bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Theo bà con nông dân tham gia mô hình thì giống lạc TB 25 đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao, nhờ đó mà chống chịu với điều kiện ngoại cảnh rất tốt và tích lũy năng lượng để nuôi quả tốt hơn, số quả chắc trên cây nhiều, tỷ lệ quả 3-4 nhân cao. Điều đó lý giải vì sao, bên cạnh việc tuyên truyền bà con tham gia mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật như phủ nilon, sử dụng men Trichoderma để xử lý phân chuồng, mô hình còn vận động bà con chọn thâm canh giống lạc mới để đạt hiệu quả cao hơn.

Hiệu quả của mô hình (tính cho 01 ha) như sau:

Tổng chi phí phân bón, vật tư, công lao động ruộng mô hình = 26,3 triệu đồng, ruộng đối chứng= 24,52 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư ở ruộng thực nghiệm cao hơn: như men Trichoderma và màng phủ nông nghiệp (ruộng đối chứng không sử dụng)... nhưng giảm được lượng thuốc BVTV và công lao động đáng kể. Mô hình thực nghiệm có tổng thu cao hơn ruộng đối chứng gấp nhiều lần. Cụ thể như sau (giá bán lạc tại thời điểm hiện tại 27,000 đồng/ kg): Ruộng thực nghiệm 4.100kg x 27,000đ/kg = 110,700,000 đồng. Ruộng đối chứng 3,000kg x 27,000đ/kg = 81,000,000 đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu thì mô hình thực nghiệm lãi trên 84 triệu đồng và mô hình đối chứng lãi trên 56 triệu đồng. Như vậy mô hình thực nghiệm có lãi cao gấp 1,5 lần (84 triệu/56 triệu) so với đối chứng.

Bên cạnh đó hiệu quả về mặc xã hội do mô hình đem lại cũng rất ý nghĩa:
- Góp phần chuyển đổi dần một số diện tích đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang cây trồng khác trong đó có cây lạc giống mới.
- Khắc phục tình trạng thiệt hại do bệnh héo rủ trên cây lạc, từng bước chủ động nguồn giống cho sản xuất và đặc biệt là hạn chế mức thấp nhất sử dụng thuốc BVTV, góp phần vào sự phát triển bền vững.
- Từ những kết quả bước đầu mô hình ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp (sử dụng giống lạc mới, phân chuồng xử lý men Trichoderma và áp dụng biện pháp màng phủ nông nghiệp) đã thay đổi dần tập quán canh tác cũ của một số nông dân, đồng thời đem lại những kết quả đáng khích lệ.
- Cây lạc TB25 phù hợp với điều kiện sản xuất ở Quảng Nam, sức nảy mầm, sinh trưởng, phát triển tốt trên chân đất chuyển đổi, nếu đầu tư thâm canh đúng mức sẽ đạt năng suất khá cao. Sản xuất lạc ít tốn nước tưới hơn sản xuất lúa và một số cây trồng khác.
- Ngoài ra, một ý nghĩa nữa vượt ngoài mong đợi của mô hình đó là: Thông qua mô hình này nông dân lựa chọn áp dụng các biện pháp bảo quản lạc làm giống cho vụ Hè Thu đến. Nhờ đó giá trị của mô hình tăng lên đáng kể và giúp duy trì được giống lạc mới TB25 cho vụ sau, năm sau.