00:00 Số lượt truy cập: 2692069

Quảng Nam: Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thiếu vùng nuôi tập trung 

Được đăng : 03/11/2016

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nhiều nông dân ở Quảng Nam. Thế nhưng, trước nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ quy hoạch vùng ven biển… nên mô hình kinh tế này không được nhân rộng và thiếu vùng nuôi tập trung. Trong khi đó, nhiều ao nuôi tự phát trước đây đang đứng trước khả năng thu hồi vì các dự án ven biển.


Hiệu quả

Ông Trần Công Thành, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở thôn 6 (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Năm nay gia đình chúng tôi đầu tư 8 hồ nuôi có diện tích gần 2 ha. Sau 80 ngày thả nuôi, chúng tôi thu hoạch được hơn 20 tấn tôm, bán được 2,5 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình chúng tôi lãi được hơn 1,5 tỷ đồng”. Cả 8 hồ nuôi ông Thành đều thiết kế theo dạng hình vuông với diện tích mỗi ao là 2.000 m2, mái dốc 1 - 1,5 m, độ sâu nước trong ao gần 2 m, bờ ao và đáy được lót bạt chống thấm HDPE loại tốt. Ông còn thiết kế các hố thu nước thải bên cạnh các tuyến ống cấp, thoát nước và tuyến điện hạ thế cho các ao nuôi. Theo ông, nhờ thiết kế hệ thống hồ nuôi như vậy nên rất thuận lợi trong việc cấp nước và hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn cho tôm nuôi. Ngoài ra, nhờ có hồ xử lý nước thải chiếm từ 5 - 10% diện tích hồ nuôi theo từng cụm nên chất thải hoàn toàn được xử lý trước khi thải ra môi trường. Với cách thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi, mô hình sản xuất của gia đình ông Thành luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một góc khu vực 8 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của gia đình ông Trần Công Thành.

Không chỉ riêng ở xã Tam Hòa, mô hình nuôi tôm trên cát ở thị trấn Núi Thành (Núi Thành) hay xã Bình Hải (Thăng Bình) cũng thu được hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Văn Tòa (khối 2, thị trấn Núi Thành) đầu tư 2 hồ nuôi tôm với diện tích 2.500 m2. Sau 86 ngày nuôi, ông thu hoạch được 5 tấn tôm, bán được khoảng 700 triệu đồng, lãi được hơn 500 triệu đồng. Nhiều nông dân ở thôn Phước An (Bình Hải, Thăng Bình) cũng khẳng định, so với nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng triều, giá trị kinh tế thu được nhờ nuôi tôm thẻ trên cát lớn hơn gấp nhiều lần. Nếu sản xuất ở vùng triều luôn gặp phải những bị động về nguồn nước, thời vụ… thì nuôi tôm trên cát, nhờ sản xuất theo quy trình khép kín bằng cách tự điều hòa và xử lý nguồn nước cũng như đảm bảo về giống, thức ăn và quy trình kỹ thuật riêng nên dịch bệnh ít khi xảy ra, nhờ đó giá trị kinh tế thu được cao hơn. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, so với nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều thì việc áp dụng mô hình sản xuất này trên cát khả quan hơn rất nhiều. Nếu việc cải tạo hồ nuôi, chọn giống, chăm sóc cho đến xử lý nước và bảo vệ môi trường sinh thái đều đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm trên cát sẽ rất cao.

Thiếu quy hoạch

Tuy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cho hiệu quả kinh tế cao nhưng mô này chưa thể nhân rộng vì gặp nhiều khó khăn. Trước hết là quỹ đất cho các mô hình này không còn “rộng rãi”. Đặc biệt là tại dọc vùng ven biển, nhiều vùng đất đang nằm trong quy hoạch, vướng rừng phòng hộ ven biển. Điều quan trọng là mô hình nuôi tôm trên cát tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường, nhất là tác động đến nguồn nước và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm trên cát khá cao nên vài năm trở lại đây, nhiều người dân đã mở rộng đầu tư, trong đó có nhiều trường hợp san ủi, đào ao nuôi trái phép, lấn chiếm đất ven biển.

Ông Trần Văn Tòa với mẻ tôm thu hoạch thành công. Ảnh: Q.V

Để giải quyết một phần nhu cầu nuôi tôm trên cát của người dân, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch ngắn hạn vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển thuộc 3 xã Bình Hải, Bình Dương và Bình Minh (Thăng Bình) với tổng diện tích 131,1 ha trong thời hạn 3 năm. Đến nay, khu quy hoạch này đã gần hết hiệu lực. Nhiều người dân có ao nuôi trong vùng quy hoạch cho biết, do đã đầu tư vào ao nuôi nên nếu không được phép tiếp tục thả nuôi thì sẽ bị thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa hề nhận thông báo nào của UBND tỉnh về việc các hộ dân tiếp tục sản xuất hay phải nhường lại đất nuôi tôm. Thời gian có hiệu lực của vùng quy hoạch nuôi tôm trên cát này là 3 năm, nếu thời gian đến các dự án xây dựng được triển khai thì các hộ dân phải ngừng sản xuất”.

Nếu như ở huyện Thăng Bình, các hộ sản xuất tôm thẻ chân trắng trên cát đang phải bị động về môi trường sản xuất thì ở huyện Núi Thành, các hộ sản xuất cũng thấp thỏm không yên. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành thông tin: “Hiện nay, ở huyện Núi Thành chưa có một vùng quy hoạch nào cho mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Nhiều năm nay, do nuôi tôm thẻ tại vùng triều luôn dịch bệnh khiến người nuôi thua lỗ nên họ chuyển sang nuôi tôm thẻ trên cát. Nếu như trong thời gian đến, các dự án du lịch, xây dựng, công nghiệp… được triển khai thì các mô hình này bắt buộc phải ngừng sản xuất”.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, thời gian tới, các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát sẽ bị thu hồi cho các dự án công nghiệp của Khu Kinh tế mở Chu Lai và một số dự án khác. “Trong khi các phương án quy hoạch hướng đến vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cho nghề nuôi tôm thẻ trên vùng triều vẫn chưa được triển khai thì việc các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát bị thu hồi sẽ là một mất mát không nhỏ cho ngành nuôi trồng thủy sản địa phương” - ông Tấn nói.