Ðiểm sáng Ðại An Ðông 1
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về xây dựng mô hình nông thôn mới, kỹ sư Ðỗ Kỳ Ân, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết: Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh sách các tỉnh xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng chương trình hành động và triển khai mô hình này với những tiêu chí cơ bản: Thực hiện chặt chẽ công tác quy hoạch, đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng nông thôn, tổ chức lại sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thôn Ðại An Ðông 1, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành được tỉnh chọn làm điểm và hiện nay đã trở thành điểm sáng về mô hình nông thôn mới của tỉnh. Trong quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới, huyện Nghĩa Hành đã thành lập ban chỉ đạo; xã, thôn thành lập Ban vận động và tổ chức quán triệt chủ trương này sâu rộng đến từng hộ gia đình để tạo sự đồng thuận, nhất quán các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Người dân trong thôn đã thấy rõ hiệu quả, phấn khởi tham gia bàn bạc, góp ý kiến trực tiếp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hằng năm. Nhiều hộ đã thực hiện đóng góp các nguồn quỹ xây dựng nhà văn hóa thôn, làm trường mẫu giáo, làm đường liên xóm, xử lý vệ sinh môi trường, khôi phục làng nghề truyền thống và xây dựng hương ước thôn, xóm. Mô hình này đến nay có sức hút mạnh mẽ đối với người dân trong việc chuyển dịch mùa vụ, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tạo điểm nhấn trong phong trào văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao, góp phần tạo nên bộ mặt mới ở nông thôn hiện nay...
Về thôn Ðại An Ðông 1 vào những ngày này, đi dọc con đường làng rộng thênh thang, những hàng cau trong vườn thẳng tắp, xanh tươi, những ngôi nhà, cổng ngõ tường xây, tôi cảm nhận ra sức sống đang được khơi dậy từ mô hình nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận Nguyễn Hữu Lệ cho biết: Khi đã có chủ trương, chúng tôi vẫn rất lúng túng. Nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, huyện, xã và thôn đã nắm vững nội dung, tiêu chí và tiến hành triển khai ngay đến các hộ. Do đó, công tác vận động các hộ dân tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới ở đây khá thuận lợi và đã đạt nhiều kết quả. Phó Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Thuận khẳng định, ngay từ buổi đầu triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chi bộ đã quán triệt các đồng chí đảng viên phải gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Bởi vì, khi chưa xây dựng mô hình nông thôn mới, thôn Ðại An Ðông 1 còn nhiều yếu kém, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Các phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao nằm trong tốp cuối các thôn trong xã.
Ðưa chúng tôi đi thăm thôn văn hóa, chị Trần Thị Mười trưởng thôn Ðại An Ðông 1 vui vẻ tâm sự: Sở dĩ thôn được chọn làm điểm mô hình nông thôn mới là nhờ bà con ở đây ủng hộ, quyết tâm đổi mới cung cách làm ăn, xây dựng nếp sống mới. Ðại An Ðông 1 là một trong bảy thôn của xã Hành Thuận thường xuyên đi đầu trong phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi. Ðây là thôn văn hóa đầu tiên và đã có tám năm liền đạt thôn văn hóa. Từ khi thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, Ðại An Ðông 1 đã tập trung huy động vốn trong dân để phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo những tiêu chí mà người dân đã chọn, bảo đảm phát huy được hiệu quả thiết thực cho cộng đồng xã hội. Mô hình nông thôn mới ở đây đã thật sự đem lại cho người dân sự thay đổi nhận thức, có trách nhiệm đóng góp xây dựng thôn, xóm và bảo vệ môi trường ngày càng 'xanh - sạch - đẹp' và từng bước đem lại cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Riêng năm 2008 và 2009, Nhà nước đã cấp hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ nhân dân làm hầm bi-ô-ga vừa sử dụng được chất đốt vừa xử lý ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc gây ra. Thôn đã tiến hành khôi phục lại làng nghề chổi đót, có mức thu nhập khá, thu hút 150 hộ nông dân thường xuyên có việc làm ổn định. Chính quyền địa phương đã cấp một lô đất rộng hơn 600 m2 và được Nhà nước hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cùng với sự đóng góp của các hộ dân đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, có sân rộng thoáng mát tạo điểm thuận lợi cho bà con có nơi hội họp, sinh hoạt đoàn thể và biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao. Ngày 20-10 vừa qua, chị em trong thôn đã tập trung về nhà văn hóa tổ chức ôn lại truyền thống lịch sử của phụ nữ, tìm hiểu những nét đẹp duyên dáng của phụ nữ nông thôn, hình ảnh những nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tổ chức biểu diễn văn nghệ đã thu hút nhiều người đến xem và cổ vũ các tiết mục văn nghệ 'cây nhà lá vườn'.
Nghề làm chổi đót đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở thôn Đại An Đông 1.
Ði sâu vào trong thôn, xóm chúng tôi mới thấy sự phát triển, đổi thay lớn về chất lượng cuộc sống nông thôn. Tuy chưa đủ vốn để thảm nhựa, nhưng nhiều hộ tự nguyện góp tiền, sử dụng lao động tại chỗ để nâng cấp những tuyến đường liên xóm 11 và 13 bằng đất, đá sạn sông bảo đảm tránh được cảnh 'mưa bùn, nắng bụi' trước đây. Nhà thờ của các tộc họ cũng đã sửa chữa khá khang trang, hương ước của thôn được xây dựng bài bản, làm cơ sở để mọi người tự giác thực hiện, góp phần xây dựng mô hình nông thôn mới bền vững. Vào thăm một số hộ dân, chúng tôi thấy nhà nào cũng chăn nuôi gia súc với chuồng trại cách xa nhà và xây dựng hầm bi-ô-ga phục vụ sinh hoạt. Tổ hợp tác sản xuất nước dừa với 12 hộ nông dân góp vốn do chị Lê Thị Lân làm tổ trưởng đang 'ăn nên làm ra', mọi thành viên có thu nhập cao. Nghề làm chổi đót ở đây đang 'hái ra tiền', nhiều hộ có mức thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Ðiển hình như các chị Võ Thị Hồng Khánh, Trương Thị Loan có tay nghề và thâm niên cao, ngoài việc chăn nuôi hàng trăm con gia cầm, hàng chục con heo còn có thu nhập từ nghề chổi đót bình quân hơn 800 nghìn đồng/tháng. Hầu như hộ nào ở đây cũng có nhà vườn khá rộng, xây dựng tường rào, cổng ngõ sạch đẹp. Trong vườn không những có nhiều loại cây ăn quả mà còn có cây cảnh và những hàng cau thẳng tắp, xanh rờn đang ra hoa tỏa hương thơm ngát đã tạo không gian cuộc sống rất dễ chịu, góp phần đưa vùng quê Ðại An Ðông 1 từ nghèo khó vươn lên có nhiều hộ giàu và đã sớm trở thành điểm sáng mô hình nông thôn mới ngày nay.
Ðịnh hướng xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nằm ven biển miền trung có vùng nông thôn rộng lớn với hơn 80% số dân sống bằng nông nghiệp. Ðất đai ít, độ màu mỡ thấp (đồi núi chiếm 74%, đồng bằng chiếm 26% diện tích tự nhiên). Do đó việc triển khai thực hiện nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 14 huyện và thành phố Quảng Ngãi, có 184 xã, phường và thị trấn, trong đó có 166 xã trong diện xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2015, tỉnh phấn đấu xây dựng 23 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020 có 39 xã hoàn thành chương trình này.
Ðể đạt được mục tiêu trên, Quảng Ngãi đã xây dựng những định hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2015. Cũng như các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay đã được tỉnh xác định cụ thể với bước đi tuần tự và triển khai một cách đồng bộ. Các ngành chức năng thành lập Ban chỉ đạo để tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo có hiệu quả chương trình này. Ngành nông nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh các quy hoạch nông thôn mới (bao gồm dự án giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư...), coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2011. Các địa phương tập trung triển khai các chương trình, dự án quan trọng có tính chất là tiền đề, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân ở giai đoạn sau nhằm bảo đảm các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở năm 2020. Phối hợp các bộ, ngành Trung ương để tiếp nhận và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với sự biến đổi khí hậu và chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông thôn mới. Tiến hành đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội ở nông thôn; tập trung phát triển sản xuất hàng hóa và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân. Ðẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động, làm nòng cốt trong việc tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cơ cấu mùa vụ và tổ chức tốt mối liên kết, liên doanh giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và Nhà nước, tạo bước đột phá trong cung cách làm ăn mới ở nông thôn. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời xác định nguồn nhân lực và các cơ chế chính sách để bảo đảm thực hiện hoàn thành kế hoạch, nội dung xây dựng nông thôn mới. Trong đó coi trọng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học-kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho nông dân; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý cho cán bộ cấp xã, phường và giải quyết tốt việc làm cho con em nông dân đối với những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoàn thành chỉ tiêu về xuất khẩu lao động.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2011, tiến hành thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và ban quản lý các xã trong diện chọn xây dựng nông thôn mới. Ban hành Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành liên quan. Lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền mục đích, nội dung tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Ðảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới sâu rộng trong quần chúng, nhân dân. Nếu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và có giải pháp hữu hiệu và có sự tham gia tích cực của người dân, chắc chắn Quảng Ngãi sẽ đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bền vững như mục tiêu đã đề ra.