Ao nuôi cá song giống của gia đình anh Trần Văn Cún, thôn Khe Cạn, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.
Tuy nhiên, để có thể phát triển mô hình trang trại, gia trại hiện nay đối với người dân không phải dễ dàng. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các trang trại đó là vốn phát triển sản xuất. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư trang trại vẫn chủ yếu dựa vào vốn tự có của chủ hộ. Bởi để vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp nông thôn không cần tài sản đảm bảo (mức tối đa có thể lên tới 500 triệu đồng) thì các chủ hộ phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Thế nhưng, thực tế cho thấy để có được giấy chứng nhận trang trại, gia trại các đối tượng này phải hoàn thành thẩm định nhiều tiêu chí về diện tích và giá trị sản lượng hàng hoá. Nguyên nhân khác khiến cho việc cấp giấy chứng nhận trang trại ở địa phương thời gian qua còn nhiều hạn chế, đó là thủ tục để có được giấy chứng nhận mất khá nhiều thời gian, chưa có sự thống nhất trong tiêu chí về đánh giá cụ thể các trang trại; các huyện cũng không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, thẩm định nên việc tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết thủ tục cho chủ trang trại còn chậm...
Tuy nhiên, do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các chủ trang trại, gia trại không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo nên ngay cả đối với “kênh” vay vốn có tài sản đảm bảo dù lãi suất ngân hàng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã thấp hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại ở nhiều địa phương còn chậm. Phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu, thuê dài hạn ở các địa phương, tính pháp lý chưa cao, do vậy các chủ trang trại chưa thực sự yên tâm, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài dẫn đến thực trạng nhiều trang trại, gia trại phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn sản xuất tập trung với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các ngân hàng hiện khá e ngại khi thẩm định, cho vay đối với các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp nông thôn bởi cơ chế đảm bảo tiền vay và xử lý rủi ro.
Theo kết quả thống kê của các cơ quan chuyên môn hiện nay, các trang trại trên địa bàn tỉnh chủ yếu mang tính tự phát, không theo quy hoạch, không mang tính chiến lược ổn định và lâu dài. Trình độ quản lý và tổ chức sản xuất rất thấp, phần lớn chủ trang trại chưa qua lớp đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật... Do đó việc tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rủi ro của các trang trại tương đối lớn. Các trang trại chưa tạo được sự liên kết giữa phát triển trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung và định hướng phát triển chung của cả vùng. Cùng với đó, việc giao đất, cho thuê đất, đấu thầu đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận trang trại cho các trang trại thực hiện chậm. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao nên giá bán ra thị trường thường thấp, sức cạnh tranh yếu, sản xuất thụ động, hiệu quả thấp. Vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải của các trang trại cũng là bất cập hiện nay.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp tháo gỡ cũng như ban hành các chính sách ưu đãi hơn nữa để kinh tế trang trại phát huy hiệu quả.
Cao Quỳnh