Sau 5 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Quảng Trị đã diễn ra sôi nổi và phát triển sâu rộng, khai thác được tiềm năng thế mạnh và tinh thần thi đua lao động sáng tạo trong cán bộ, hội viên nông dân, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Kết quả 5 năm đã có 37.702 lượt hộ nông dân đăng ký và 7.785 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, chiếm 8,9% số hộ nông nghiệp, tăng trên 3 nghìn hộ so với năm 2003.
Trong năm 2007, qua khảo sát 684 hộ đạt SXKD giỏi ở 85/139 cơ sở xã phường, có 41 hộ đạt cấp Trung ương, 107 hộ đạt cấp tỉnh, 206 hộ đạt cấp huyện và 330 hộ đạt cấp cơ sở. Trong số này có 224 hộ thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm, 179 hộ thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm, 138 hộ thu nhập từ 70-100 triệu đ/năm, 78 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng, đặc biệt có 5 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sức lao động, vật tư, tiền vốn, trí tuệ vào SXKD đúng hướng, biết tổ chức quản lý, điều hành sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, do đó đã đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong những gương sáng nông dân SXKD giỏi có nhiều hộ tiêu biểu cho các loại hình từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ… như hộ ông Nguyễn Văn Cân ở Triệu Trung- Triệu Phong đã mạnh dạn đầu tư vừa làm dịch vụ cho các hộ nông dân vừa sản xuất nông nghiệp thu trên 200 triệu đồng/năm; anh Hồ A Kiêm là thanh niên trẻ người dân tộc Vân Kiều ở xã Thuận- Hướng Hoá có trang trại sản xuất nông nghiệp 3,5ha hàng năm thu nhập trừ chi phí trên 70 triệu đồng; hộ ông Trần Văn Khương ở Hướng Tân, Hướng Hoá có mô hình sản xuất cây công nghiệp với diện tích 4 ha, hàng năm thu nhập đã trừ chi phí trên 125 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 1 triệu đồng/tháng; hộ ông Nguyễn Hiểu ở xã Hải Thọ- Hải Lăng từ một gia đình nông dân nghèo đã trở thành tỷ phú vùng đồi… Nhiều mô hình nuôi tôm, nuôi ếch và cá nước ngọt… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh những cá nhân SXKD giỏi còn có những tập thể cùng liên kết giúp nhau sản xuất giỏi dưới nhiều hình thức theo qui mô kinh tế hợp tác và HTX, từng bước hình thành các chi hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ… nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, vật tư cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống đại bộ phận nông dân; an ninh chính trị nông thôn cơ bản ổn định; truyền thống tương trợ giúp đỡ lẫn nhau bằng tình làng nghĩa xóm được vun đắp, đoàn kết giai cấp và khối liên minh công- nông- đội ngũ trí thức được tăng cường.
Những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trên mặt trận nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong giai cấp nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá; thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và đổi mới một bước quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo tốt an ninh lương thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo và thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, để phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển tốt hơn, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cấp hội nông dân ở Quảng Trị cần đẩy mạnh việc nhân rộng các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi để khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu của động đảo bộ phận nhân dân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về giống, phòng dịch, tiêu thụ sản phẩm; coi trọng và làm tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; phát triển thêm các ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút nhiều lao động.