00:00 Số lượt truy cập: 2672730

Quảng Trị: Thanh niên nông thôn cần vốn làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, trong tầng lớp thanh niên nông thôn có rất nhiều người quyết chí làm ăn, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vốn đầu tư đang là rào cản để họ có thể lập thân, lập nghiệp trên quê hương mình.


Bí... vì không có vốn

Giữa cánh đồng xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trang trại tổng hợp bao gồm trồng nấm, trồng hoa kết hợp chăn nuôi gà của anh Trần Văn Linh ở thôn Huỳnh Thượng dù quy mô không lớn nhưng được nhiều người chú ý vì chí làm giàu và đức tính siêng năng chịu khó của ông chủ trẻ.

Trong lúc bạn bè chọn cách rời quê đi làm ăn xa thì anh Linh vẫn kiên định “bám đất, bám quê” để lập nghiệp. Nhà nghèo, chỉ có 2 mẹ con, sau khi lập gia đình, anh Linh mạnh dạn làm đơn xin UBND xã Vĩnh Sơn lập trang trại trồng nấm ở cánh đồng.

Vì không có vốn nhiều nên anh chọn cách trồng gối vụ, lúc đầu chỉ trồng nấm sò và nấm rơm nhưng ngày nào cũng có nấm đưa đi chợ bán. Nhờ biết tính toán, trang trại nấm của Linh ngày càng phát triển. Đến nay, mỗi vụ anh trồng được 6.000 đến 8.000 bịch nấm. 

Nhiều thanh niên nông thôn đang rất cần vốn để làm ăn.


Không dừng lại ở đây, anh đã đi nhiều nơi học hỏi cách trồng nấm Linh Chi và đã trồng thành công ở trang trại của mình. Ngoài nấm, ở trang trại anh còn chăn nuôi gà và trồng hoa. Mỗi năm tổng thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, vì không có vốn để mở rộng nên trang trại tổng hợp của anh sau 3 năm xây dựng cũng chỉ có thể phát triển cầm chừng. Anh Linh cho biết: “ Khi làm trang trại ở đây, tôi có ý tưởng ngoài trồng nấm sẽ phát triển chăn nuôi gà nhà với quy mô lớn vì có nhiều điều kiện thuận lợi như sẵn thức ăn tự nhiên ngoài đồng. Ở đây lại cách ly hoàn toàn với khu dân cư nên sẽ giảm được dịch bệnh. Nhưng 3 năm nay vẫn chưa làm được vì không có vốn để mua giống và đầu tư chuồng trại.

Sau khi biết hàng năm Đoàn Thanh niên có cho vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi 0,65%/ năm, tôi đã nhiều lần làm đơn để vay vốn về đầu tư cho trang trại nhưng mãi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Muốn vay vốn ở các ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, mà lãi suất cũng khá cao, thanh niên mới khởi nghiệp như chúng tôi không đủ điều kiện để vay. Biết cách làm ăn mà không có vốn nên cũng khó triển khai được”.

Không riêng gì anh Linh, chúng tôi đến khu phố 2, thị trấn Cam Lộ và gặp Phạm Đình Lợi, một thanh niên trẻ cũng đang “khát” vốn để đầu tư cho xưởng cơ khí mà anh đã làm chủ gần 10 năm nay. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nên xưởng cơ khí của Lợi dù làm ăn được nhưng cũng chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình và phát triển ở quy mô nhỏ chứ không đủ tiềm lực để nâng cấp nhà xưởng và mở rộng sản xuất. Ước mơ của anh Lợi là có một khoản vốn khoảng 50 triệu đồng để đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng đến thiết bị chứ cứ “lấy râu ông nọ, chắp cằm bà kia” mãi như hiện nay thì chẳng thể làm giàu được.

Mấy năm nay anh trông chờ vào nguồn vốn giải quyết việc làm của đoàn thanh niên nhưng mãi vẫn không vay được. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ riêng từ năm 2010 – 2011 trên địa bàn huyện Cam Lộ có khoảng 130 hộ đoàn viên thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển các ngành nghề như cơ khí, mộc, đúc ngói xi măng, chăn nuôi, trồng trọt...

Tất cả các dự án này đều được các ngành chức năng huyện Cam Lộ thẩm định về tính khả thi nhưng chưa có dự án nào được giải ngân. Không riêng gì Cam Lộ, thực trạng thanh niên nông thôn khát vốn làm ăn đang rất phổ biến ở các địa phương.

Đâu là nguyên nhân?

Ngoài nguồn vốn của các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thì nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn vay ưu đãi từ tổ chức Đoàn Thanh niên cũng là kênh chính để đối tượng thanh niên tiếp cận vay khi có nhu cầu.

Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên các cấp nhận ủy thác là 51.575 triệu đồng với 3.462 hộ gia đình được vay. Tuy nhiên, đây là tổng dư nợ của nhiều chương trình cho vay khác nhau như: hộ nghèo, học sinh - sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó…

Còn thực tế dư nợ cho vay từ chương trình giải quyết việc làm cho thanh niên chỉ có 3.069 triệu đồng. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 2/10 dự án thanh niên được giải ngân từ nguồn quỹ cho vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. So với nhu cầu vay vốn của thanh niên thì con số dư nợ trên còn quá ít.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Võ Xuân Long, Trưởng ban phong trào Tỉnh đoàn Quảng Trị cho biết: “Qua khảo sát thực tế ở các cấp đoàn cơ sở thì nhu cầu vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên là rất lớn. Tổ chức Đoàn sẵn sàng đứng ra tín chấp để thanh niên được vay vốn làm ăn nhưng tính đến nay tổng dự nợ cho vay của tổ chức đoàn thanh niên được ủy thác là ít nhất trong các tổ chức hội, đoàn thể.

Nguyên nhân chính là điều kiện để cho vay đối với đối tượng đoàn viên thanh niên còn khá hạn hẹp khiến thanh niên ít có khả năng tiếp cận vốn. Đó là người vay nếu là hộ độc lập thì phải là hộ nghèo, nếu trường hợp chưa tách hộ thì không được chồng kênh (nghĩa là bố mẹ người đó chưa đứng tên vay ở các tổ chức khác). Ngoài việc một số dự án lập chưa thuyết phục nên không được giải ngân... thì sự tin tưởng của ngân hàng cũng là một điều kiện quan trọng để đối tượng có được vay vốn hay không.”

Có thể nói, chính sách cho vay vốn đối với thanh niên nông thôn chưa thật sự rộng mở cả về nguồn vốn lẫn hình thức cho vay. Có vốn, thanh niên nông thôn sẽ tìm cách làm giàu, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình thay vì đổ xô đi làm ăn xa như hiện nay. Có lẽ đã đến lúc ngân hàng nên nhìn nhận những việc làm, tinh thần và ý chí vượt khó của thanh niên để tạo điều kiện cho đồng vốn ưu đãi sớm đến với thanh niên nông thôn.