Vườn quất đã sẵn sàng
Chúng tôi về Văn Giang, ngắm nhìn những vườn quất tươi xanh, quả to đều tăm tắp mà nghe phảng phất hương thơm của hoa quất. Huyện Văn Giang có hơn 100ha quất cảnh chuẩn bị thu hoạch, tập trung ở các xã Liên Nghĩa, Tân Tiến, Mễ Sở.
Anh Bì Văn Tiến, chủ vườn quất ở xã Liên Nghĩa cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên quất cảnh phát triển tốt. Nhà anh chị năm nào cũng trồng từ 600 - 800 cây, có năm trồng đến cả ngàn cây. Chị Yến, vợ anh Tiến chỉ sang một vườn quất bên cạnh: “Bên hàng xóm nè, tuần vừa rồi đã có người đến đánh quất về chơi Tết sớm rồi. Còn những vườn quất như nhà tôi đây, đã có thương lái về đặt mua từ một, hai tháng trước, chỉ chờ qua rằm là họ sẽ đến mang quất đi tiêu thụ”. Một phần thương lái mua hàng để cung cấp cho thị trường Hà Nội nhưng không ít người mua quất tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định…
Theo ước tính của người dân địa phương, đến nay đã có trên 50% số quất cảnh của huyện được đặt mua, giá quất từ 100 ngàn đồng/cây trở lên, tùy chất lượng và kiểu dáng. Năm nay, loại quất được thị trường chuộng vẫn là những cây đủ tứ quý: quả, hoa, lộc, dáng. Với loại cây dáng tháp thông dụng, những cây được chọn trước là cây to vừa phải, lá xanh đều, có nhiều quả, quả tròn, to căng mọng - biểu tượng cho sự tài lộc. Với những cây quất thế, kiểu dáng cây được ưu tiên hơn nhưng cũng phải có hoa, có lộc mới được giá. Theo người trồng quất huyện Văn Giang, giá quất năm nay tăng khoảng 30% so với vụ trước nên trừ chi phí, một sào quất cảnh có thể thu lãi trên 15 triệu đồng.
Hứa hẹn mùa vàng
Chúng tôi đến vườn quất của vợ chồng anh Bì Văn Tiến, cả nhà anh đang… hái hoa quất. Thấy tôi ngạc nhiên, chị Yến giải thích, phải ngắt bớt hoa để đến cận Tết, những nụ hoa mới xuất hiện là vừa đẹp. Một số hộ còn tỉa cành để quất mọc thêm lộc mới vào sát ngày bán, sẽ thu hút sự chú ý của người mua và bán được giá hơn. Chị Yến cho biết, những cây quất như vườn nhà chị bán tại vườn ở mức 120.000 – 150.000 đồng/cây. Tôi nhẩm tính, thế thì năm nay nhà chị thu được hàng trăm triệu chứ chẳng chơi! “Nếu trời thương thì cũng được chút ít nhưng không đơn giản như chú nghĩ đâu!”, chị Yến cười.
Để có được cây quất như ngày hôm nay, người trồng quất phải mất bao công sức: Đầu tiên là cấy “cây giâm” (cây nhỏ được giâm từ cành quất khỏe, giống tốt), trồng “cây dong” (đánh cây con để trồng vào luống), rồi chuyển sang “cây đảo” (đến khoảng tháng 4 hàng năm, người trồng phải đào quất lên trồng lại – nếu không, rễ cây bị to, bám vào đất, khi đánh ra chậu, cây sẽ bị héo). Cuối cùng là đánh nấm cây mang đi bán.
Nhà nào không đủ người làm thì phải thuê người làm cỏ, tưới nước, tiền công trung bình 25.000 đồng/ngày. Đến mùa hoa quất nở, lại thuê người đi hái bớt hoa: chùm hoa có 6 bông thì phải bỏ 5 bông, chỉ để lại 1 - nếu không quất sẽ mọc thành chùm, cây sẽ yếu và dáng sẽ xấu. Công hái hoa khoảng 25.000 đồng/ngày. Khi quất ra quả xanh, lại phải thuê người đi cắt bớt quả thừa và tạo dáng dần cho cây. Nếu đến gần ngày thu hoạch mới tạo dáng sẽ rất khó, vì lá bị úp vào không tự nhiên, quất xấu, rất khó bán. Công việc này cực hơn, phải trả 50.000 đồng/ngày.
Do trồng quất tốn kém nên nhiều hộ phải đi làm thuê cho các nhà khác để có tiền trang trải, xong mới quay về vườn nhà. Nhiều nhà phải trồng thêm rau để “lấy ngắn nuôi dài”, bởi “trồng rau dưa chỉ để tiêu vặt hàng ngày thôi. Vừa rồi, rau cải mất giá, bán chỉ 200 đồng/kg, nhiều hộ đành đổ xuống ao cho cá ăn”. Chỉ về những căn nhà lầu ở xã Liên Nghĩa, chị Yến nói: “Đấy, nhà cửa được như thế cũng từ cây quất mà ra!”.
Người dân Văn Giang đặt nhiều hy vọng vào quất nhưng không phải lúc nào cũng được suôn sẻ. Cuối năm ngoái, một trận mưa đá đổ xuống đã phá tan niềm hy vọng của người dân Liên Nghĩa. Cả xã có 2.000 hộ trồng quất thì chỉ chục hộ thu hoạch vớt vát. Nhà nào nhiều thì thiệt hại hàng trăm triệu, ít nhất cũng 50 triệu đồng. “Quất Văn Giang đã sẵn sàng, giờ chúng tôi chỉ mong trời thương thôi”, chị Yến nói vui.