00:00 Số lượt truy cập: 2685376

Rau thơm Láng 

Được đăng : 03/11/2016
Vài thập niên trước, các loại rau thơm, rau gia vị được trồng rất nhiều ở vùng Láng (húng Láng). Xoá bao cấp, đường Láng được mở rộng, nhà cửa mọc lên san sát, theo chân những người đi chợ đêm, húng Láng "rời quê" về "đậu" tại mảnh đất Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai - Hà Nội) và làm giàu cho bà con nơi đây.


Thơm Láng trên quê mới

Dưa cải thôn Bằng nổi tiếng đất Hà thành một thời bởi vị cay vừa phải và độ ngọt, giòn khi muối vừa chín tới. Ngoài dưa cải, thời bao cấp, thôn Bằng còn trồng hành hoa, hành củ, bắp cải xuất khẩu sang Đông Âu và Liên Xô (cũ), có cây nặng tới 3,5kg, khiến nước bạn phải ngạc nhiên. Hơn 10 năm trở lại đây, do dân số tăng nhanh, thôn Bằng được chia làm 2, Bằng A và Bằng B, song vẫn giữ nghề cũ. Tuy nhiên, giờ đây bà con chủ yếu trồng các loại rau gia vị có giá trị kinh tế cao như : rau thơm, dấp cá, ngải cứu, rau cần, rau rút, cải xoong... Nguồn gốc các loại rau thơm này từ Láng chuyển về, vì vậy vẫn giữ được hương vị xưa trong tâm thức người Hà Nội. Đầu ra là các chợ đầu mối trong thành phố. Chiều tối, những hộ trồng rau thơm gói ghém, phân loại, đóng gói sẵn. Những hộ trồng cần, rút, cải xoong thuê người hái (bình quân một buổi 40.000 đồng) sắp sẵn ở đầu bờ, chủ buôn về lấy đem đi “rải” ở các chợ. Lao động trực tiếp ở cả 2 thôn có khoảng 500 - 600 người, vào thời vụ mỗi hộ phải thuê thêm 3-5 nhân công. Bình quân thu nhập của các hộ 50-70 triệu đồng/năm. Có nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng/năm như chị Lưu Thị Chung (thôn Bằng A), anh Nguyễn Trần Sơn (thôn Bằng B). Những hộ không trực tiếp sản xuất cho bà con thuê đất với giá 400kg thóc/sào/năm (tương đương 800.000 - 900.000 đồng). Do trồng nhiều loại rau trên một địa bàn, nhất là các loại rau gia vị, vì vậy xã đặc biệt chú ý đến vấn đề sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoàng Liệt cho biết, năm 2005, xã đã tổ chức một lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây rau) với 60 lượt người tham dự; 70 lượt người tham gia tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Từ đầu năm 2006 đến nay, HTX đã mở được 4 lớp, mỗi lớp có 60-70 học viên tham gia. Nội dung các buổi tập huấn xoay quanh 4 vấn đề (4 đúng): đúng lúc, đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian cách ly mới được phép thu hoạch và tiêu thụ trên thị trường. Cũng theo ông Hùng, đa phần bà con thực hiện đúng quy trình, có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những hộ không tuân thủ quy định, còn sử dụng thuốc ngoài danh mục, phun thuốc chưa đúng quy trình đều được xử lý kịp thời.

Đôi điều trăn trở

Điều đáng nói ở đây là, phường Hoàng Liệt nằm trong khu quy hoạch của thành phố Hà Nội nên 3/5 thôn bị mất gần hết đất sản xuất. Để hoàn thiện khu Bán đảo Linh Đàm, 2 thôn Bằng mất gần 43ha. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn nhiều dự án “treo”, thôn Bằng A bị thu hồi 10ha đất nông nghiệp từ năm 2003 đến nay, song các chủ dự án vẫn “đắp chiếu”. Đất đai để không, bà con muốn canh tác lại thiếu các điều kiện để sản xuất như điện, nước, đường giao thông,… Quay sang làm dịch vụ thì bị các chủ dự án cản trở.

Một tồn tại nữa ở Hoàng Liệt là bà con chưa có ý thức trong dồn điền đổi thửa nên sản xuất rất manh mún. Mặt khác, một số lao động có thu nhập cao từ các ngành nghề phụ lại không muốn cho bà con thuê lại ruộng để sản xuất... nên ruộng đất sản xuất thì thiếu mà vẫn còn ruộng để hoang.