Thời tiết diễn biến bất thường đã làm hàng chục ngàn hecta lúa tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi,... chậm lớn hoặc chết. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương đã tích cực hướng dẫn bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả, kịp thời cứu lúa.
Ninh Bình: hàng ngàn hecta lúa bị chết
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, đến ngày 2/3, toàn tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong 40.972,1ha lúa xuân, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 1.560ha được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng. Tuy nhiên, rét kéo dài trong thời gian qua đã làm thiệt hại hàng ngàn hecta lúa, chủ yếu là các giống lúa thuần có độ chịu rét kém.
Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: “Năm nay, do bà con tập trung chuyển sang gieo cấy các dòng lúa thuần với diện tích khá lớn nên đợt rét vừa qua huyện có khoảng 2.900ha lúa thuần bị chết vì rét”.
Tại cánh đồng Chằm thuộc xã Khánh Cư (Yên Khánh), chúng tôi nhận thấy hầu hết các diện tích lúa thuần chất lượng cao như: RL2, Bắc hương 67, tám… đang bị héo vàng. Bà Ngô Thị Oanh, một người dân tâm sự: “Nhà tôi có 7 sào ruộng đều cấy giống Bắc hương 67, nhưng năm nay ông trời không thương nên chết gần hết. Nếu không cứu được chắc năm nay cả nhà sẽ chết đói”.
Thời gian vừa qua, do giá lúa trong nước tăng cao nên nông dân Ninh Bình chủ động chuyển sang gieo cấy những giống lúa chất lượng cao với hy vọng sẽ bán được giá. Nhưng hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì lúa đã bị chết hàng loạt do thời tiết diễn biến bất thường. ông Lê Văn Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: “Tính đến thời điểm này, huyện đã thống kê được trên 2.000ha lúa đông xuân bị vàng lá, héo thân do rét. Chúng tôi chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai các biện pháp giúp nông dân cứu những diện tích có hy vọng sống sót”.
Ông Trần Đình Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: “Hiện Sở đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con khẩn trương cứu lúa, đảm bảo đủ nước trên các thửa bị thiệt hại nhằm giúp các nhánh còn lại tiếp tục phát triển, tránh nguy cơ mất trắng”.
“Sau khi các xã thông báo diện tích lúa bị chết rét, chúng tôi đã hướng dẫn bà con lấy đủ nước, khẩn trương cào cỏ, sục bùn để loại bỏ những phần rễ bị thối đen, tạo điều kiện cho rễ mới phát triển, đồng thời tiến hành bón kali, không được bón đạm”, ông Diệp nói. Chị Trần Thị Hằng, ở thôn Phúc Giang, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh -
Nình Bình) bên ruộng lúa bị chết do rét.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm này, diện tích lúa bị héo vàng đã được bà con chủ động khắc phục như cấy dặm, cào cỏ sục bùn; đối với những diện tích thiệt hại gần như hoàn toàn thì chuyển sang trồng những giống lúa ngắn ngày hoặc những loại cây trồng khác nếu có thể.
Quảng Ngãi: nhiều diện tích lúa không trỗ bông
Vụ lúa đông xuân 2010-2011, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gieo sạ trên 5.000ha, trong đó có khoảng 800ha gieo trồng ở những chân ruộng cao thiếu nước. Hiện 800ha này đã cho thu hoạch, nhưng có tới 150ha bị mất trắng, diện tích còn lại năng suất trung bình chỉ đạt 25-30tạ/ha. Nguyên nhân là do thời điểm trỗ gặp lạnh, dẫn đến lúa bị lép lửng.
Theo báo cáo của UBND xã Bình Phú (huyện Bình Sơn), tình hình mưa, rét kéo dài đã làm ảnh hưởng đến 95ha lúa đông xuân của xã, trong đó có khoảng 70ha không trỗ bông, khiến diện tích này bị mất trắng, bà con chỉ còn biết cắt cho bò ăn. Còn lại 25ha lúa trỗ nhưng năng suất rất thấp.
Hiện, nông dân huyện Bình Sơn đang hết sức lo lắng cho 4.200ha lúa đông xuân chính vụ bởi lúa trỗ đúng vào lúc trời rét kèm theo mưa. Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện, vụ lúa đông xuân, năng suất sẽ giảm so với mọi năm; ngoài ra, năng suất các loại cây trồng khác như đậu phụng (lạc), bắp (ngô), dưa hấu… cũng đều thấp hơn cùng kỳ các năm trước.
Giống như huyện Bình Sơn, đến nay, khoảng 700ha lúa ở chân ruộng cao thiếu nước của huyện Sơn Tịnh đã bị mất trắng. Ngoài ra, trong số 5.300ha lúa gieo sạ chính vụ của huyện, hiện đã có tới 1.500ha lúa giống trung ngày đang trỗ bị nghẹn, diện tích còn lại cũng sinh trưởng kém do gặp lạnh. Đó là chưa kể còn khoảng 300ha đang bị rầy nâu phá hoại.
Được biếtÑ, vụ đông xuân 2010-2011, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo sạ khoảng 35.986ha lúa, trong đó trà lúa sớm là 5.165ha, trà chính vụ 26.414ha, trà muộn 4.407ha.
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, đợt rét vừa qua đã làm gần 10.000ha lúa đông xuân của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 2.252ha lúa phải gieo cấy lại. Công ty Giống cây trồng tỉnh đã chuẩn bị gần 100 tấn lúa giống ngắn ngày để cung ứng cho các địa phương tiến hành gieo lại. Tại huyện Điện Biên (Điện Biên), đợt rét vừa qua đã làm khoảng 220ha lúa chiêm xuân bị chết. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tăng cường chăm sóc lúa mới gieo cấy, tuyệt đối không được bón đạm, tỉa dặm; tích cực giữ nước, bón phân chuồng hoai mục. |